Tìm kiếm tin tức
CHƯƠNG III: ĐOÀN KẾT ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP, PHÁT XÍT – NHẬT TIẾN TỚI TỔNG KHỞI NGHĨA THÀNH CÔNG TRONG CẢ NƯỚC
10/18/2007 1:30:54 PM

Ngày 1 tháng 9 năm 1939, phát-xít Đức tiến công Ba Lan. Ngày 3 tháng 9 năm 1939, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình mọi mặt ở Đông Dương và Việt Nam.

Để phục vụ cho chiến tranh, thực dân Pháp ở Đông Dương ban bố lệnh tổng động viên, ra sức cướp của, tăng giờ làm việc, giảm tiền lương của công nhân và bắt thanh niên đi lính. Chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố các phong trào cách mạng. Các quyền tự do, dân chủ mà thanh niên và nhân dân ta giành được trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ đều bị xoá bỏ. Các tổ chức của công nhân và thanh niên đều bị chúng giải tán. Chúng ra sức bắt bớ, truy lùng những chiến sỹ cộng sản.

Ngày 29/9/1939, Trung ương Đảng ta ra: “Thông cáo cho các đồng chí các cấp bộ” giải thích tình hình thế giới và tình hình trong nước, đồng thời đề ra một số chủ trương ứng phó trước mắt.

Tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần vv… tham dự. Nghị quyết Hội nghị nhấn mạnh giải phóng là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương “Bước đường sinh tồn của dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng”. Hội nghị chủ trương lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp và dân tộc ở Đông Dương để đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai của chúng.

Theo chủ trương của Đảng, Đoàn Thanh niên Phản đế tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức thanh niên cộng sản và thanh niên dân chủ trước đây. Những đoàn viên Thanh niên Dân chủ chuyển thành đoàn viên Thanh niên Phản đế, các hội viên thanh niên trong các tổ chức thanh niên phổ thông được giao những công tác thích hợp để thử thách, bồi dưỡng. Để nhanh chóng hình thành đội quân xung kích và đội hậu bị của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng ta đã trực tiếp giúp đỡ Đoàn xây dựng tổ chức. Nhiều cơ sở Đoàn đã được phát triển ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn Tây, Quảng Trị và nhiều tỉnh ở Nam Bộ. ở các thành phố, Đoàn chú trọng công tác vận động thanh niên công nhân và học sinh.

Để mở rộng các hình thức tập hợp thanh niên sau khi phong trào dân chủ bị địch đàn áp, tại Sài Gòn, những Câu lạc bộ Học sinh được hình thành, đầu tiên là ở trường Trung học Trương Vĩnh Ký do Huỳnh Văn Tiểng đứng đầu. Tiếp đến là sự ra đời của tổ chức tham quan và du lịch do các anh Trịnh Kim ảnh, Nguyễn Văn ảnh, Võ Thế Quang... phụ trách. Hoạt động tham quan, du lịch thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Qua hoạt động này, anh chị em được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và nhiều người đã đứng vào các tổ chức bí mật do Đảng ta lãnh đạo hăng hái đấu tranh chống địch. ở Hà Nội, mặc dù bị địch ra sức khủng bố, cơ sở Đoàn Thanh niên Phản đế vẫn phát triển khá nhanh, Đoàn xuất bản tờ báo Tiền phong không những chỉ lưu hành ở Hà Nội mà còn lưu hành trong nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Hoạt động của Thanh niên Phản đế Hà Nội khá phong phú. Nhiều đoàn viên và thanh niên đã tham gia rải truyền đơn kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên Xô, chống đàn áp khủng bố nhân dân…

Anh Nguyễn Lam là một trong những cán bộ Thanh niên Phản đế hoạt động rất tích cực. Bị địch bắt giam tại Hoả Lò, anh cùng hai đồng chí đoàn viên khác đã bí mật, kiên trì đào được một đường hầm từ nơi bị giam nối liền với cống thoát nước. Trong một đêm mưa bão, anh đã cùng các đồng chí vượt ngục thành công trở về hoạt động trong đội ngũ của Đoàn.

Tháng 6/1940, nước Pháp bị quân đội pháp xít Hitle chiếm đóng. Nhân cơ hội này, tháng 9/1940, pháp xít Nhật xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp nhanh chóng đầu hàng quân Nhật. Từ đây nhân dân Việt Nam bị hai kẻ thù cùng thống trị là phát xít Nhật và thực dân Pháp. Nhưng nhân dân Việt Nam bất khuất nổi dậy chống cả Nhật lẫn Pháp. Tháng 9/1940, nhân dân châu Bắc Sơn vùng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương. Tháng 11/1940 dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Nam Kỳ, nhân dân ở nhiều tỉnh Nam Bộ cũng đã vùng lên đấu tranh quyết liệt chống quân thù. Tháng 1/1941, nổ ra cuộc nổi dậy của anh em binh lính ở đồn Chợ Rạng và đồn Đô Lương (Nghệ An). Các cuộc khởi nghĩa này là bước đầu đấu tranh vũ trang của cả dân tộc Việt Nam, báo hiệu một thời kỳ mới, thời kỳ chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền trong toàn quốc.

Theo chủ trương của Đảng, lực lượng vũ trang khởi nghĩa Bắc Sơn được chuyển vào rừng hoạt động du kích. Mùa xuân năm 1941, tại khu rừng Khuổi Nọi (xã Vũ Lê, châu Bắc Sơn) đội du kích Bắc Sơn được thành lập. Đội gồm hơn 30 chiến sĩ mà hầu hết là đảng viên trẻ và đoàn viên, tất cả đều đã tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn và chiến đấu chống sự đàn áp khủng bố của quân thù ngay từ đầu. Trong buổi lễ thành lập, trước đông đảo đồng bào địa phương đến tham dự, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng giao nhiệm vụ giết giặc cứu nước cho đơn vị.

ít lâu sau, đội du kích đổi tên là Cứu quốc quân do đồng chí Phùng Chí Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng làm Chỉ huy trưởng Cứu quốc quân. Tuy lực lượng còn nhỏ bé, súng đạn và lương thực thiếu thốn, nhưng đã luôn giữ vững chí khí chiến đấu ngoan cường.

Ngày 23 tháng 11 năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ mặc dù đã có lệnh hoãn của Trung ương Đảng nhưng không truyền đạt kịp. ở hầu khắp các tỉnh miền Nam nhất là ở Mỹ Tho, quần chúng nổi dậy chiến đấu rất dũng cảm. Chính quyền của địch ở một số xã và quận hoang mang, tan rã. Đội viên các đội tự vệ và du kích trong cuộc khởi nghĩa hầu hết là trẻ tuổi. Họ hăng hái chiến đấu chống địch bằng vũ khí thô sơ. Trong trận đánh quân tiếp viện của quân địch từ Tây Ninh đến ứng cứu cho quân lỵ Hóc Môn bị quân khởi nghĩa vây hãm, du kích đã bắn chết một tên thực dân ác ôn cùng nhiều lích địch ở Cầu Bông. ở Mỹ Tho, các đội tự vệ cùng nhân dân phá tan bộ máy chính quyền của địch ở 54 trong tổng số 57 xã thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy. ở những xã này, các tổ chức Đảng và quân khởi nghĩa đã tịch thu các kho thóc của bọn địa chủ chia cho dân nghèo. Cũng tại Mỹ Tho, lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng sau này trở thành lá cờ của Mặt trận Việt Minh, quốc kỳ cứu nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau Đại thắng Mùa xuân năm 1975.

Trong ngày thành lập chính quyền đầu tiên của tỉnh, hai đội tự vệ gồm toàn đoàn viên và thanh niên đã giơ tay xin thề dưới lá cờ đỏ sao vàng quyết chiến đấu bảo vệ chính quyền và cách mạng.

Tại Vĩnh Long, một đội du kích gồm 50 chiến sĩ rất trẻ dưới sự chỉ huy của đồng chí Hồng, một chiến sĩ cách mạng 24 tuổi, Bí thư Quận uỷ Vũng Liêm đã đánh chiếm và làm chủ quận lỵ một số ngày.

ở đảo Hòn Khoai, dưới sự chỉ huy của chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Phan Ngọc Hiển, quân khởi nghĩa hầu hết là đoàn viên, thanh niên đồng loạt tiến công tiêu diệt tên thực dân chủ đảo thu toàn bộ điện đài, vũ khí và kéo cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm cùng tấm băng lớn mang dòng chữ: “Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế muôn năm”. Quân khởi nghĩa dùng thuyền đã được chuẩn bị trước thẳng tiến về đất liền.

Tuổi trẻ và nhân dân Rạch Gốc tập hợp đông đảo trên bến hân hoan đón mừng quân khởi nghĩa chiến thắng cập bến lúc mặt trời vừa ửng đỏ.

Tuy nhiên, lúc này cuộc khởi nghĩa trên đất liền vừa bị địch dập tắt. Quân khởi nghĩa Hòn Khoai phải đơn độc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù đông gấp nhiều lần. Sau mười ngày cầm cự vô cùng anh dũng, quân khởi nghĩa Hòn Khoai chẳng may lọt vào trận địa phục kích của địch.

Thực dân Pháp đã đàn áp cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ hết sức dã man. Gần 6000 người bị bắt và bị giết, nhiều làng bị ném bom và đốt phá. Người nữ chỉ huy trẻ tuổi Nguyễn Thị Bảy đã làm cho quân thù khiếp sợ và khâm phục. Chúng gọi chị là “Hoàng hậu đỏ”. Nhục hình, tra tấn dã man không khuất phục được chị. Chị quát thẳng vào mặt kẻ thù: “Chúng bay chỉ có thể lấy máu của người cộng sản chứ không thể lấy được một lời cung khai phản bội”.

Tháng 12 năm 1941, kẻ thù đã đưa các chiến sĩ trẻ tuổi tham gia khởi nghĩa ở Hòn Khoai gồm có Phan Ngọc Hiển, Đỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Cự, Đỗ Văn Biên, Ngô Văn Cẩn, Ngô Kim Luân, Nguyễn Văn Đình… cùng hai đồng chí lãnh đạo của Đảng bộ Cà Mau là Quách Văn Phàn, Lê Văn Khuyên ra hành quyết tại sân vận động thị xã.

Trước lúc hi sinh, các đồng chí đã đồng loạt hô to:

Đả đảo đế quốc Pháp!
Việt Nam độc lập muôn năm
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

Khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những trang chói lọi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ và nhân dân Việt Nam, là tiếng kèn xung trận vang vọng núi sông từ Nam ra Bắc dưới ngọn cờ cách mạng.

Tháng 11/1940, Hội nghị lần thứ 7 Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) có đồng chí Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ... tham dự Hội nghị đã phân tích tình hình chiến tranh thế giới lần thứ 2 và tác động của chiến tranh đối với Đông Dương. Hội nghị đã đi đến sự dự đoán rất sáng suốt: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành quyền tự do, độc lập”.

Bước sang năm 1941, tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày một khẩn trương và phức tạp.

Từ khi quân đội Nhật vào Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp ngày càng sâu sắc, tuy phải tạm thời thoả hiệp với nhau nhưng cả hai đều tìm cách triển khai thế lực đợi thời cơ tiêu diệt nhau. Nhân dân Đông Dương chịu cảnh “một cổ hai tròng”, dưới ách thống trị tàn bạo của Nhật – Pháp nên ngày một bần cùng, đói khổ… do vậy, ngày càng nhanh chóng giác ngộ cách mạng.

Ngày 28/1/1941, Nguyễn ái Quốc, lãnh tụ của Đảng và dân tộc đã bí mật về nước ở vùng Pác Pó để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Nguyễn ái Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng căn cứ địa, tổ chức đoàn thể Cứu quốc và chuẩn bị Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp tại Pác Bó (Cao Bằng) do đồng chí Nguyễn ái Quốc, đại diện của Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt…

Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình trong nước và thế giới, Hội nghị xác định: Cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng của dân tộc cần tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Pháp – Nhật, bởi vì: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp trâu ngựa, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại đựơc”.

Để tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật – Pháp, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt làViệt Minh) và các Hội Cứu quốc, trong đó có Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.

Như vậy, Đoàn Thanh niên Cứu quốc (TNCQ) là một tổ chức của những thanh niên yêu nước có nhiệm vụ tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc, đánh Pháp đuổi Nhật. Đoàn TNCQ tiếp nối sự nghiệp của các tổ chức thanh niên do Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn ái Quốc sáng lập, lãnh đạo trước đó. Đoàn là hạt nhân đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng thanh niên vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến lúc trở về Tổ quốc, Nguyễn ái Quốc luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng những lớp thanh niên cách mạng.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 và tư tưởng của Người, công tác vận động thanh niên đã có bước phát triển mới. Được các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo, nhiều cơ sở Đoàn và các Hội quần chúng của thanh niên được khôi phục và xây dựng. Ban Chấp hành Huyện Đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên ở vùng núi được thành lập tại Hà Quảng do đồng chí Đàm Minh Viễn làm Bí thư.

Cuối năm 1941, Ban Chấp hành Thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội được thành lập gồm 5 người trong đó có Nguyễn Lam, Nguyễn Khang… tạo ra sự chỉ đạo thống nhất trong phong trào thanh niên. Thành Đoàn đã cho in lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc và truyền đơn của Mặt trận Việt Minh phổ biến trong thành phố. Từ cuối năm 1942 trở đi, nhiều cơ sở Đoàn được xây dựng ở nông thôn, nhất là ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… Đội Nhi đồng Cứu quốc ra đời ở Nà Mạ (Cao Bằng). Nhiều đội viên đã được già Thu tức Bác Hồ kính yêu chăm sóc, giáo dục và một số đội viên đã giúp việc giao liên cho già Thu. Trong thời gian này, anh Kim Đồng là người đội viên thiếu niên đầu tiên đã nêu cao tinh thần hi sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ.

ở Nam Bộ, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng, nhưng cơ sở của Đoàn vẫn được duy trì. Khi có Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8, nhiều cơ sở mới lại được xây dựng tại các nhà máy, trường học, nhất là các vùng nông thôn. Tại một số địa phương, hệ thống tổ chức của Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã thống nhất đến huyện, có nơi đến tỉnh.

Song song với công tác xây dựng và phát triển tổ chức, Đoàn đã tập hợp đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia nhiều hình thức hoạt động văn hoá xã hội... động viên họ tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Việt Minh, đóng góp xứng đáng vào cao trào cứu nước.

ở Hà Nội, từ tháng 10 đến tháng 12/1941, đoàn viên và thanh niên đã có những hoạt động gây ảnh hưởng sâu rộng theo lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc. Thành Đoàn tổ chức được một cơ sở in bí mật đặt tại phố Hàng Nón. Theo thống kê của Sở mật thám Pháp, chỉ trong tháng 12/1941 có 13 vụ rải truyền đơn và treo cờ đỏ trong thành phố.

Hà Nội là trung tâm các trường đại học của cả Đông Dương nên công tác vận động sinh viên luôn được chú trọng. Đoàn TNCQ tiếp nối truyền thống của Đoàn Thanh niên Phản đế với sứ mệnh lịch sử mới là đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đoàn đã chú trọng đẩy mạnh công tác vận động giới học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai chịu ảnh hưởng trực tiếp của Đảng được tiếp tục xúc tiến nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng ở các trường cao đẳng, đại học trong cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng ta đã tiếp xúc trực tiếp với một số trí thức yêu nước có uy tín và một số sinh viên có nhiệt tâm để hình thành nên một Ban Trị sự lâm thời của Tổng Hội do anh Dương Đức Hiền làm Hội trưởng niên khoá 1941–1942. Anh Dương Đức Hiền đã đỗ Cử nhân luật niên khoá trước đó. Trong Ban Trị sự còn có các sinh viên Đặng Ngọc Tốt, Phan Mỹ, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Ngọc Minh vv… Ban Trị sự được sự tín nhiệm của đông đảo sinh viên, mặc dầu lúc này ngoài sinh viên của ba miền Bắc, Trung, Nam còn có sinh viên Ai Lao, Cao Miên và cả sinh viên Pháp.

Việc làm đầu tiên của Tổng Hội là xây dựng khối đoàn kết trong sinh viên, chống lại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, khơi dậy lòng yêu nước, thương nòi của đông đảo sinh viên, đưa họ tham gia vào các hoạt động hữu ích. Khẩu hiệu của Tổng Hội đưa ra là “Đoàn kết để phụng sự quốc gia, tin tưởng vào tương lai đất nước, truyền lòng tin đến mọi người”.

Tổng Hội đã lập ra một Ban Vệ sinh và Ban Y học để giúp đồng bào hiểu biết về vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh chống lại các hiện tượng mê tín, dị đoan được bà con thôn xóm ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận rất hoan nghênh. Ngoài ra Tổng Hội cũng lập một số ban cố vấn về luật để giúp đồng bào mỗi khi có oan ức cần đấu tranh trong quan hệ với giai cấp thống trị… Giám đốc Nha học chính Đông Dương đã cảm nhận thấy điều đó trong hoạt động của sinh viên nên ra lệnh phải ghi vào bản Điều lệ của Tổng Hội câu đầu tiên là “Tổng Hội không được phép bàn cãi về chính trị và tôn giáo”. Cuộc đấu tranh giữa những người lãnh đạo yêu nước của Tổng Hội và tên Giám đốc (Tabule) đã diễn ra gay gắt nhưng ta kiên quyết không chịu ghi câu đó vào Điều lệ dù Tổng Hội phải bị giải tán.

Từ năm học 1942 – 1943, anh Dương Đức Hiền được bầu làm Hội trưởng của Tổng Hội. Anh được may mắn nhận ý kiến chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, trong đó có ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Lúc này việc giáo dục tinh thần yêu nước, rèn luyện phẩm chất, rèn luyện thân thể cho sinh viên được chú trọng. Lần đầu tiên, tại khu Đông Dương học xá, Tổng Hội đã tổ chức trọng thể lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Các sinh viên ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam cùng nhau thắp nén hương trầm thơm ngát và uy nghiêm để hướng về với cội nguồn của dân tộc, thề giữ tròn khí phách của giống nòi. Sau đó, cứ hàng tháng sinh viên các trường thay nhau dùng xe đạp đi thăm các di tích Cổ Loa, Bạch Đằng, Kiếp Bạc, Đền Hùng… Nhiều cuộc nói chuyện về “Trận Bạch Đằng” của sinh viên Đặng Ngọc Tốt, “Thanh niên và tiếng Việt” của sinh viên Nguyễn Đình Thi vv… được tổ chức ở giảng đường đại học hoặc ở rạp Olympia Hà Nội (sau này là nhà hát Hồng Hà) thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên.

Hoạt động của sinh viên còn được mở rộng bằng việc tổ chức các cuộc cắm trại dài ngày, mở đầu là trại Bằng Trì ở Thanh Hoá (1941). Trái ngược với Sầm Sơn, nơi có nhiều nhà nghỉ của bọn thống trị, Bằng Trì là nơi chỉ có mấy túp lều tranh giữa cỏ hoang, lau rậm… Anh chị em sinh viên chọn nơi này để làm trại với ý thức rõ rệt nhằm rèn luyện tinh thần thể chất, do đó họ tự tay mình phát cỏ, đắp nền… xây dựng nơi luyện tập thể dục thể thao và cùng tham gia cày cuốc với nông dân, tìm hiểu đời sống của nông dân, cùng nhau trao đổi về cuộc sống ngày mai, tương lai của dân tộc. Trại thứ hai được tổ chức ở Tương Mai (1942) ngoại thành Hà Nội. Lần này trại được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú hơn, thí dụ anh chị em góp tiền, góp sức tự tay mình xây được một nhà đọc sách cho bà con địa phương. Tối đến lại tổ chức các buổi nói chuyện với nhà nông như cách bón phân cho ruộng lúa, vệ sinh ở nông thôn… và tổ chức đêm diễn kịch, lửa trại.

Đặc biệt là trại Suối Lồ Ô (1943) do học sinh, sinh viên Sài Gòn học ở Hà Nội và một số tỉnh Nam Kỳ tổ chức với quy mô lớn kéo dài hơn 1 tháng, có sự tham gia của nhiều trường trung học. Được tin học sinh, sinh viên sẽ tổ chức trại, thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn trở vì chúng sợ sức mạnh bùng lên của thanh niên, học sinh và sinh viên Nam Bộ trong khí thế cách mạng chung của cả nước đang dâng cao lúc này. Nhưng trước sự đấu tranh của ta với lời cảnh báo nếu không để sinh viên tổ chức trại, Tổng Hội sẽ cử phái đoàn từ Hà Nội vào Sài Gòn cùng sinh viên biểu tình phản đối. Trước sức ép đó, bọn thực dân buộc phải nhượng bộ. Tại trại Suối Lồ Ô đã diễn ra những đêm lửa trại, những ngày họp mặt, một số vở kịch lịch sử được công diễn, đặc biệt là nhiều bài hát mới do nhạc sĩ sinh viên Lưu Hữu Phước sáng tác như Suối Lồ Ô, Khải hoàn ca… được phổ biến rộng rãi. Phát huy kết quả của trại Suối Lồ Ô, trong năm 1943, Tổng Hội còn có sáng kiến tổ chức một số trại luân chuyển với phạm vi nhỏ hơn ở miền Đông Nam Kỳ và Trung Kỳ.

Có thể nói để cổ vũ lòng yêu nước trong học sinh, sinh viên vào những năm đầu của thập kỷ 40 (thế kỷ XX) Đảng ta đã chỉ đạo tổ chức Đoàn dùng nhiều hình thức hoạt động văn hoá, văn nghệ, báo chí, coi đó là con đường tuyên truyền, giáo dục sinh động dễ đi vào tình cảm của lớp trẻ có học thức. Nhóm Đồng vọng do nhạc sĩ Hoàng Quý (quê Hải Phòng) ra đời được học sinh, sinh viên hưởng ứng đông đảo. Nhóm Tráng ca gồm những bài hát lịch sử nổi tiếng do Lưu Hữu Phước – nhạc sĩ sinh viên tài năng mãi mãi ghi lại dấu ấn trong lòng học sinh, sinh viên như Bạch Đằng Giang, Đi hội Đền Hùng, Hận sông Gianh, ải Chi Lăng, Ta cùng đi, Người xưa đâu xá, Xếp bút nghiên, Lên đàng, Việt nữ gọi đàn, nhất là bài ca Sinh viên hành khúc (Sau này tác giả thay tên là Tiếng gọi thanh niên)… đều là những ca khúc hùng tráng lay động lòng người, thúc giục học sinh, sinh viên đứng lên cứu nước. Lưu Hữu Phước cùng với các sinh viên Nam Bộ khác như Đặng Ngọc Tốt, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, TrầnVăn Khuê, Diệp Minh Châu…đã thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của mình qua nhiều hoạt động sôi nổi về nhạc, kịch, thơ. Các vở kịch Đêm Lạng Sơn, Nửa đêm truyền hịch, đặc biệt là vở kịch Hội nghị Diên Hồng của Huỳnh Văn Tiểng có tiếng vang lớn. Trong một lần công diễn trước đông đảo người xem là học sinh, sinh viên và đại diện các giới đồng bào Hà Nội, khi các nhân vật trên sân khấu quay về khán giả hỏi: “Trước nhục nước nên hoà hay nên chiến?”, liền đó là những tiếng hô rầm trời “Chiến”. Bọn thực dân và phong kiến hết sức hoảng sợ trước khí thế này, chúng tung ra hàng trăm tên mật vụ, chỉ điểm theo dõi, đe doạ và bắt bớ những người đứng đầu.

Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc hướng dẫn. ở trường Bưởi (Chu Văn An), nơi đã hình thành nên lớp học sinh yêu nước đầu tiên mà tiêu biểu là Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu…, những học sinh về sau đã tham gia thành lập chi bộ Đảng, nay như đang tiếp thêm sức mạnh mới cho lớp theo sau. Đó là thế hệ các anh Võ Duy Tường tức Vũ Oanh (sau này là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng), Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Viết Triết, Lê Đức Bình, Nguyễn Ngọc Giám, Cao Ngọc Liễn, Lê Quân, Vũ Mai tức Vũ Quang (sau này là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn trong nhiều năm)… đã bắt liên lạc với cán bộ của Thành uỷ Hà Nội lập lên một tổ chức học sinh yêu nước mang tên Đội Ngô Quyền do đồng chí Vũ Oanh làm đội trưởng. Khi gia nhập đội, tất cả học sinh đều phải làm lễ tuyên thệ trước tổ chức, thề trung thành với Đội, với cách mạng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, rèn luyện thân thể, sinh hoạt lành mạnh. Đội Ngô Quyền đã rải truyền đơn của Mặt trận Việt Minh, tuyên truyền Điều lệ và Chính sách của Mặt trận, kêu gọi những ai yêu nước thương nòi đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, Đội Ngô Quyền đã phát triển sang các trường khác như trường Văn Lang, Thăng Long, Đồng Khánh…, nhiều đội viên trở thành đoàn viên TNCQ và được giác ngộ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản.

Vào thời điểm này, tại trường Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn), được tác động của ta, một Câu lạc bộ Học sinh ra đời do anh Huỳnh Văn Tiểng đứng đầu. Sau khi anh Tiểng ra Hà Nội học đại học, câu lạc bộ này chuyển thành tổ chức tham quan du lịch mà mục đích hoạt động là tìm về cội nguồn dân tộc do anh Trịnh Đình ánh làm đoàn trưởng và hai đoàn phó là Nguyễn Văn ảnh và Võ Thế Quang. Hoạt động này phát triển sang nhiều trường khác ở Sài Gòn và các địa phương khác như Biên Hoà, Mỹ Tho, Cần Thơ…

Hầu hết các tỉnh ở Nam Kỳ, dưới hình thức này hay hình thức khác, phong trào học sinh được thức tỉnh bởi cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa đã tự đứng lên tập hợp nhau lại lập ra Đoàn học sinh mang tên các anh hùng dân tộc, đặc biệt có Đoàn học sinh mang tên Đoàn Hùng Vương để nhớ về cội nguồn của dân tộc. Anh chị em chuyền tay nhau những bài thơ, bản nhạc yêu nước, đặc biệt số học sinh sau khi được dự trại Suối Lồ Ô về trở thành lực lượng nòng cốt tổ chức, tập hợp học sinh các trường ở thành phố Sài Gòn và các tỉnh. Hoạt động chính là khơi dậy lòng yêu nước bằng các cuộc đi thăm thắng cảnh, tổ chức cắm trại, hát những bài ca yêu nước của Lưu Hữu Phước, như Việt Nam bất diệt, Khải hoàn ca, Việt nữ gọi đàn, Thiếu sinh Lạc Hồng v.v... Từ những sinh hoạt tập thể này về sau phát triển thành những hoạt động mang tính tổ chức rõ rệt như thành lập các ban đại diện, ban văn hoá, ban kịch, ban du lịch… hoặc các câu lạc bộ ở từng trường mà mục tiêu là hô hào học sinh tẩy chay các hoạt động thể dục, thể thao do tên Đuycuaroay - tay sai của bọn thống trị đứng ra tổ chức để lôi kéo, chia rẽ học sinh, sinh viên và các tầng lớp thanh niên ta đang hướng về cách mạng. Hắn đã cho tay chân đến liên hệ với các ban đại diện nêu trên để kêu gọi hợp tác, nhưng anh chị em hoặc lờ đi, hoặc tẩy chay ra mặt.

Năm 1941, lớp học sinh tốt nghiệp tú tài toàn phần khá đông ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ ra Bắc học Đại học Đông Dương. Một số anh được cử vào Ban Trị sự của Tổng Hội. Để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, tình đoàn kết chặt chẽ giữa sinh viên và các miền của đất nước, Tổng Hội lúc này vẫn do anh Dương Đức Hiền làm Hội trưởng đã chủ trương xuất bản một tờ báo lấy tên là Khối đoàn kết (Le Monôme). Chủ bút là anh Mai Văn Bộ, một sinh viên đầy tâm huyết từ Sài Gòn ra (sau này là cán bộ cao cấp của Nhà nước ta). Tôn chỉ, mục đích của tờ báo là thúc đẩy sự tu dưỡng phẩm chất của người tri thức trẻ, thúc đẩy tình đoàn kết trong lực lượng sinh viên, xây dựng nền nếp học tập. Ruột báo và bìa do sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật trình bày khá đẹp, trong đó có sự đóng góp hết sức tích cực của anh Diệp Minh Châu cũng là một sinh viên đầy tài năng từ Nam ra. Tiếp theo sau sự ra đời của tờ báo là việc hình thành các nhóm chuyên ngành trong Tổng Hội, thí dụ nhóm Văn học đứng đầu là Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Xuân Sanh… nhóm Tân nhạc là Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê… ở Sài Gòn có nhóm Văn học của những sinh viên yêu nước học ở Pháp về như nhóm Văn học Văn Lang của Phạm Ngọc Thạch, hay nhóm Văn học Phan Thanh Giản của Ca Văn Thỉnh vv… Báo Khối đoàn kết của Tổng Hội được phát hành ở Hà Nội và Sài Gòn. Do yêu cầu của học sinh, sinh viên ngày càng nhiều, Tổng Hội hình thành Nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu để có điều kiện phát hành rộng rãi cả báo và các sáng tác nhạc kịch. Nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu đã xuất bản các vở kịch Hội nghị Diên Hồng, Đêm Lam Sơn, Nợ Mê Linh, Con thỏ ngọc,… của Huỳnh Văn Tiểng và gần như hầu hết các sáng tác nhạc của Lưu Hữu Phước.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Tổng Hội Sinh viên do anh Nguyễn Ngọc Minh tiếp tục làm Hội trưởng, anh Dương Đức Hiền (từ năm 1944) đã đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng khác của Đảng trao cho. Tổng Hội vẫn thấy cần thiết phải tiếp tục xuất bản một tờ báo của sinh viên trong tình hình đất nước đang sôi sục. Tờ tuần báo Tự trị ra đời. Phụ trách tờ Tự trị có các anh Hà Văn Lộc (tức Thép Mới), Nguyễn Sĩ Quốc, Lê Bá Huấn, Xuân Diệu, Huy Cận, Lê Khánh Cận, Nguyễn Xuân Sanh. Tổng Hội cử Lê Văn Giạng làm Chủ nhiệm, Nguyễn Xuân Sanh làm chủ bút. Báo Tự trị ghi rõ mục đích, tôn chỉ của mình ngay trên trang bìa là "Cơ quan truyền bá tư tưởng của Tổng Hội Sinh viên Việt Nam", đồng thời đóng khung 8 chữ: “Phụng sự Tổ quốc Việt Nam độc lập”. Bài xã luận của báo số ra ngày 24/4/1945 có đoạn chỉ rõ: “Có độc lập thì mới sinh tồn được, có độc lập thì mới tiến hoá được. Nghĩ lại 80 năm nô lệ ta sẽ hiểu cái thảm của cảnh vong nô”. Do báo có nhiều bài cổ vũ sinh viên vùng lên trên cơ sở quán triệt đường lối chuẩn bị tổng khởi nghĩa của Đảng ta nên phát xít Nhật đã cho hiến binh tấn công đập phá toà soạn, lấy đi nhiều tài liệu vào đêm 20/6/1945 tại số nhà 32 Lê Đại Hành. Từ thời điểm ấy, phát xít Nhật đã chiếm đóng luôn toà soạn của báo Khối đoàn kết và Tự trị là hai tờ báo của Tổng Hội Sinh viên ra đời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới ảnh hưởng trực tiếp của Đảng Cộng sản. Tự trị là tờ báo bằng tiếng Việt đầu tiên của Tổng Hội. Tự trị đã quảng bá bài hành khúc nổi tiếng của Lưu Hữu Phước, bài Tiếng gọi sinh viên bằng lời Việt:

Sinh viên ơi! Ta quyết đi đến cùng!
Sinh viên ơi, ta nguyện đem hết lòng
Tiến lên, đồng tiến, vẻ vang đời sống!
Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

Tháng 2/1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định tình hình cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới. Tổ chức của Đảng và của Mặt trận Việt Minh đã bắt rễ vào quần chúng. Trên cơ sở nhận định đó, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã tiếp xúc với một số anh em chủ trì trong Tổng Hội Sinh viên như Dương Đức Hiền, Đặng Ngọc Tốt, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Xuân Sanh, Phan Mỹ… để chỉ đạo việc phát triển phong trào sinh viên. Đồng chí hoan nghênh những hoạt động của Tổng Hội, đánh giá cao những đóng góp của các anh Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng… và các anh khác về những sáng tác yêu nước được truyền bá trong thanh niên, học sinh, sinh viên để khơi dậy tinh thần quật cường của tuổi trẻ. Đồng chí Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu phải mở rộng mặt trận đoàn kết, chống âm mưu chia rẽ của giặc và chuẩn bị cùng toàn dân đứng lên cứu nước, cứu nhà khi thời cơ đến. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Tổng Hội Sinh viên tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để lôi kéo sinh viên như cuộc hành hương lần thứ ba lên đền Hùng, tổ chức các trại sinh viên luân phiên, đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ như diễn kịch, đêm nhạc sinh viên….

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng năm 1943 “Phái người vào các đoàn Hướng đạo mà hoạt động”, Tổng Hội Sinh viên đã vận động nhiều hướng đạo sinh tẩy chay các hoạt động thể thao do tên thực dân Đuycuaroay lôi kéo mà hăng hái tham gia các hoạt động của Tổng Hội.

Sau đó những cuộc vận động yêu nước được nâng lên thành phong trào đấu tranh đòi giải phóng dân tộc theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, từ cuối năm 1943 và những tháng đầu năm 1944 nổ ra cuộc vận động “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Đồng thời với nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, bản Đề cương văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo trong sinh viên và giới trí thức đã góp phần vào việc tập trung lực lượng.

Phong trào “Xếp bút nghiên” được khởi phát từ các nhóm sinh viên Nam Kỳ ra Hà Nội học như Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, rồi lôi cuốn các sinh viên miền Trung, miền Bắc bỏ trường về quê bí mật tìm bắt liên lạc với cán bộ Việt Minh. Họ tổ chức thành từng nhóm, dùng xe đạp toả về các ngả đường. Các nhóm sinh viên Nam Kỳ rong đuổi trên đường số 1, dừng chân lại nơi nào là họ tổ chức ca hát… các bài hát Xếp bút nghiên, Lên đàng, Quốc dân hành khúc… vang lên trong cuộc hành trình gian lao nhưng đầy hăng hái, quyết tâm. Đây là phong trào rất đặc trưng của sinh viên Việt Nam thời tiền khởi nghĩa.

Sau khi phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương, phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên tham gia vào các đội tuyên truyền xung phong, đội danh dự làm công tác trấn áp bọn mật thám, chỉ điểm, diệt ác ôn diễn ra ngay trên đường phố. Nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở ngoại thành Hà Nội thu hút nhiều học sinh, sinh viên nội thành tham gia. Anh chị em công khai lên diễn đàn kêu gọi học sinh, sinh viên tham gia thanh niên cứu quốc, tham gia tự vệ… sẵn sàng đứng lên đánh đổ phát xít và phong kiến giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Từ năm 1942, 1943 tình hình trong cả nước diễn biến nhanh chóng. Tổ chức Đoàn, các Hội quần chúng của thanh niên cũng như các đoàn thể khác dưới sự lãnh đạo của Đảng được củng cố và phát triển nhanh chóng.

Tại nhiều vùng nông thôn, các cuộc đấu tranh chống thu mua thóc tạ, chống phá lúa trồng đay, trồng thầu dầu, đòi chia lại công điền của nông dân diễn ra quyết liệt dưới hình thức biểu tình có tính chất nửa vũ trang đánh trả lính Nhật quấy nhiễu, diệt trừ Việt gian… ở Thái Bình, thanh niên và quần chúng nông thôn Tiền Hải đấu tranh đòi chia lại công điền. ở Phúc Yên, thanh niên và nông dân đấu tranh phản đối việc trưng mua lạc, thầu dầu… ở làng Cam (Gia Lâm, Hà Nội), thanh niên cùng nông dân giữ bãi không cho Nhật phá ngô trồng đay. ở Gia Định, Hậu Giang, các đoàn viên Thanh niên Cứu quốc đã tuyên truyền Điều lệ và Chương trình của Mặt trận Việt Minh đến tận ấp xã…

Phong trào của công nhân đã lôi cuối và thu hút đông đảo thanh niên công nhân tham gia. Tháng 2/1942 công nhân mỏ than Hòn Gai đình công. Ngày 1/5/1942 công nhân xe lửa Gia Lâm mít tinh chống chủ nghĩa phát xít mở rộng chiến tranh. Tháng 7/1942 thợ máy sân bay Gia Lâm vây bàn giấy võ quan Nhật, phản đối lính Nhật đánh đập công nhân. Từ tháng 5/1942 đến tháng 6/1943 ở Nam Bộ có 24 cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi bán gạo, vải, diêm, xà phòng theo giá quy định.

Qua cuộc đấu tranh này, tổ chức Đoàn ngày càng được củng cố và phát triển trong thanh niên.

Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của thanh niên và nhân dân ta, bọn Pháp – Nhật một mặt thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào, mặt khác chúng đưa ra nhiều thủ đoạn lừa bịp để tranh thủ và lôi kéo thanh niên.

Lúc này, phát xít Nhật tích cực rêu rao thuyết “Đại Đông á”, “Khối thịnh vượng chung”… Chúng lập ra các tổ chức “Việt Nam Thanh niên ái quốc”, “Thanh niên Hưng quốc đoàn”… Bù nhìn Pêtanh ở Pháp tung ra những khẩu hiệu “Cần lao – Gia đình – Tổ quốc”, “Pháp – Việt phục hưng”vv…

Bọn thống trị Pháp còn tổ chức rầm rộ phong trào thể thao “Khoẻ để phụng sự”. Chúng giao cho tên sĩ quan tình báo Đuycuaroay tổ chức những cuộc đua xe đạp, thi bơi lội, đấu quyền Anh, thi sắc đẹp để lôi cuốn thanh niên làm cho họ lạc hướng đấu tranh cách mạng. Thực dân Pháp còn lập “Hội Thanh niên Công giáo”, “Tổng Hội Sinh viên Đông Dương”, xuất bản các sách xem bói, xem tướng, sách kiếm hiệp, trinh thám, khuyến khích đồi phong bại tục, mê tín dị đoan.

Nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của địch đầu độc thanh niên về tư tưởng, phá hoại thanh niên về tổ chức, cuối tháng 2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho các cấp uỷ Đảng và Đoàn Thanh niên Cứu quốc “Phải ra sức chống lại chính sách mê hoặc lôi kéo thanh niên của phát xít Nhật – Pháp và lãnh đạo thanh niên đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, chính trị hàng ngày. Mỗi thành phố lớn phải có một Ban Thanh vận và cố gắng ra một tờ báo riêng của thanh niên. Việc soạn sách riêng cho thanh niên cũng rất cần… Phải phái người vào các đoàn Hướng đạo, hội thể dục mà hoạt động. Nơi nào chưa có những tổ chức như thế thì phải lợi dụng những khả năng và hoàn cảnh mà tổ chức ra, rồi tuyển trong đó những phần tử thanh niên tốt đưa vào “Thanh niên Cứu quốc Đoàn”.

Mùa hè năm 1943, nhóm sinh viên Nam Bộ học tại Hà Nội trong tổ chức Tổng Hội Sinh viên Đông Dương khởi xướng phong trào Xếp bút nghiên. Các anh trở về Sài Gòn gia nhập vào tổ chức Truyền bá quốc ngữ và làm báo Thanh niên… Đảng bộ địa phương đã bắt được liên lạc và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của nhóm sinh viên này trong đó có các anh Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm v.v… Các bài hát, vở kịch yêu nước như Đêm Lam Sơn, Nợ Mê Linh, Hội nghị Diên Hồng, Hành khúc sinh viên (Sau này là Tiếng gọi thanh niên), ải Chi Lăng… đã cổ vũ thanh niên trở về với chân giá trị dân tộc, góp phần chống lại những luận điệu lừa bịp của toàn quyền Đờcu (Decoux) và thuyết “Đại Đông á” của Nhật…

Thực hiện chủ trương của Đảng, cuối năm 1943 đầu năm 1944, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Hải Phòng đã thành lập được Ban Thanh vận. Cơ sở Đoàn và các Hội quần chúng của thanh niên được phát triển khá rộng ở Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Chợ Lớn… Tháng 8/1944, Hà Nội thành lập Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Trong những năm 1942–1943 thanh niên Hà Nội có phong trào tìm đọc sách báo cách mạng của Hội Văn hoá cứu quốc. Báo Hồn nước của Thanh niên thành Hoàng Diệu là cơ quan tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên.

Nhằm đấu tranh chống những tư tưởng tư sản phản động, văn hoá đồi truỵ do kẻ thù gieo rắc và kịp thời giải thích đường lối, chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, Đảng cho xuất bản hàng loạt tờ báo như: Cờ Giải phóng, Cứu quốc, Bẻ xiềng sắt, Tiền phong, Giải phóng… đặc biệt là sự ra đời của bản Đề cương văn hoá Việt Nam do chính đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đây là một văn kiện rất quan trọng của Đảng ta soi sáng nhiều vấn đề trên mặt trận văn hoá cách mạng theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Báo chí cách mạng và bản Đề cương văn hoá Việt Nam được tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong thanh niên góp phần quan trọng thu hút nhiều thanh niên trí thức tham gia cách mạng và có ảnh hưởng rất lớn trong tuổi trẻ cả nước. Song song với nhiệm vụ đấu tranh chính trị và văn hoá, thanh niên các đơn vị vũ trang và bán vũ trang cũng được thành lập ở nhiều địa phương. Các cơ sở Đoàn và các Hội quần chúng của thanh niên đã động viên nam nữ thanh niên ra sức luyện tập quân sự, tham gia các đội tự vệ, chiến đấu dũng cảm chống địch đàn áp, khủng bố, càn quét, bảo vệ căn cứ địa và cơ sở cách mạng.

Trong 2 năm 1942–1943, các Đảng bộ vùng biên giới phía Bắc đã chọn nhiều cán bộ, đoàn viên ưu tú đưa đi huấn luyện quân sự ở Trung Quốc. Các đồng chí đã trở thành những cán bộ chiến sĩ cốt cán, tích cực trong các đội tự vệ và lực lượng vũ trang cách mạng. Tháng 8/1944, theo chủ trương của Đảng, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào “Sắm vũ khí, đuổi thù chung”. Đoàn Thanh niên Cứu quốc và các Hội quần chúng của thanh niên cùng các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh đã nhiệt liệt hưởng ứng. Phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa được Đoàn coi là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả đoàn viên, thanh niên.

Để chuẩn bị xây dựng quân đội cách mạng của Đảng, Nguyễn ái Quốc đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập ở Cao Bằng. Trong số 34 chiến sĩ đầu tiên ấy, tuyệt đại bộ phận là đảng viên, đoàn viên, thanh niên trong đó có các đồng chí mới 17, 18 tuổi.

Sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân xuất quân tiêu diệt đồn Phay Khắt và đồn Nà Ngần, thu toàn bộ vũ khí.

Sau hai trận thắng giòn giã, đơn vị được bổ sung quân số thành lập đại đội. Đoàn đã cung cấp cho lực lượng vũ trang nhân dân những cán bộ xuất sắc ngay từ những ngày đầu như Quang Trung, Nam Long, Nam Tuấn, Quốc Trung, Xuân Trường… Đặc biệt có những nữ chiến sĩ và thiếu niên tham gia công tác giao liên cho đơn vị như bé Hồng đã lập công suất sắc trong nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình quân địch.

Thời kỳ phát triển cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị của nhân dân ta góp phần đẩy mạnh cuộc vận động giải phóng dân tộc trong cả nước đã đến.

Từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Hồng quân Liên Xô đã quét sạch phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ của mình và tiến như vũ bão về phía Beclin. Số phận của phát xít Đức sắp bị kết liễu. ở Thái Bình Dương, phát xít Nhật ngày càng lâm vào tình trạng nguy khốn.

Để nắm chắc Đông Dương hơn nữa và trừ mối nguy bị quân Pháp đánh sau lưng, tối ngày 9/3/1945, Nhật đã làm đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Chưa đầy một ngày, thực dân Pháp đã nộp súng đầu hàng Nhật trên toàn cõi Đông Dương.

Từ lâu, Đảng ta đã dự đoán về cuộc đảo chính Nhật hất cẳng Pháp sẽ nổ ra.

Từ ngày 9 đến ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng ở làng Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh) do đồng chí Trường Chinh chủ trì để đánh giá tình hình cuộc đảo chính và nêu ra những chủ trương của Đảng trong thời kỳ mới. Hội nghị nhất trí nêu khẩu hiệu: “Đánh đuổi Nhật – Pháp” và phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, gấp rút tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền… Nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính quyền ở địa phương. Để nhanh chóng thúc đẩy cao trào cứu nước, Hội nghị chủ trương chuyển sang những hình thức và phương pháp đấu tranh cao hơn và mạnh hơn như tuyên truyền xung phong, biểu tình tuần hành thị uy, mít tinh công khai, thành lập các Uỷ ban Nhân dân Cách mạng, xây dựng mở rộng các chiến khu và các căn cứ địa cách mạng.

Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhằm cụ thể hoá những nhận định và nghị quyết của Hội nghị Trung ương.

Từ cuối tháng 3/1945 trở đi, cách mạng Việt Nam đã chuyển lên thành cao trào và những cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra ở nhiều địa phương.

Trong lúc nhân dân ta gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa thì ở Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ đã xảy ra nạn đói khủng khiếp. Hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Đó là hậu quả thảm khốc nhất của chính sách bóc lột và gây chiến của bọn phát xít Nhật – Pháp. Khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” của Đảng đã đáp ứng đúng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh trong nhân dân đẩy tới cao trào kháng Nhật, cứu nước dâng lên trong cả nước.

Tuổi trẻ đã hăng hái đi đầu trong cao trào quần chúng phá các kho thóc, thuyền thóc của Nhật và tích cực tham gia các đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh hoạt động ở các chợ, rạp hát, bến đò, bến xe, xí nghiệp, trường học… Nhiều nơi, các đội tự vệ của Việt Minh bắt trói, tước vũ khí lính Nhật, cảnh cáo, giải tán trừng trị bọn Việt gian đầu sỏ. Tại các thành phố, nhiều đội “Danh dự Việt Minh” hoạt động trừ gian và diệt võ quan Nhật tàn ác ngay trước mũi súng quân Nhật.

ở Hà Nội, nếu cuối năm 1944 chỉ mới có một tổ chức tự vệ ở trường bay Gia Lâm gồm 3 đồng chí đoàn viên thanh niên cứu quốc thì thời kỳ này toàn thành đã có trên 1000 đoàn viên và những thanh niên được Đoàn giáo dục tham gia các đội tự vệ, đội tuyên truyền xung phong và đội danh dự, đặc biệt là các Hội quần chúng của thanh niên hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ qua đó tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đứng lên đấu tranh tự bảo vệ quyền lợi của mình phát triển ngày càng rộng rãi. Ngày 18/6, đội tự vệ công nhân đã bắn tên Phó trưởng đoàn “Thanh niên ái quốc” là tay sai đắc lực của phát xít Nhật ở ngã tư phố Ngô Thì Nhậm – Lê Văn Hưu. Ngày 19/6 một tên tay sai khác của Nhật bị đội danh dự xử bắn ở dốc Hàng Kèn (nay là đường Bà Triệu), tên Phó thanh tra mật thám bị trừng trị ở Ngã Tư Sở… Thanh niên thành Hoàng Diệu tổ chức nhiều cuộc mít tinh, huy động hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia ở xã Mễ Trì, Chợ Canh, Làng Láng vv… Các tổ tuyên truyền xung phong của Đoàn đột nhập diễn thuyết tại các trường Gia Long, Kỹ nghệ thực hành, nhà máy rượu… ở Chèm và dọc đường Bưởi, các đội tự vệ thanh niên thường chặn các xe vận tải chở thóc, gạo của Nhật, tịch thu và phân phát cho đồng bào nghèo.

ở Huế, thanh niên giữ vai trò nòng cốt trong các đội tự vệ và tuyên truyền xung phong – tổ chức Đoàn đã bắt nối được với các nhóm bảo an, tổ chức việc mua súng, lấy súng địch để trang bị cho lực lượng vũ trang của ta… Nhiệm vụ trừng trị bọn ác ôn và bọn Việt gian ngoan cố của các đội tự vệ được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và cổ vũ mạnh mẽ đã góp phần đẩy mạnh cao trào cách mạng trong cả tỉnh.

ở Sài Gòn, các đội tự vệ, thanh niên xung phong cũng được hình thành nhanh chóng và thu hút hàng trăm thanh niên tham gia. Các đội tuyên truyền xung phong đã tuyên truyền sâu rộng trong thanh niên và nhân dân Chương trình và Điều lệ của Mặt trận Việt Minh.

Sau cuộc đảo chính hất cẳng Pháp (9/3/1945) Iđa - quyền Tổng trưởng Thanh niên thể thao Đông Dương ngỏ ý mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra lập một tổ chức để tập hợp thanh niên và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được quyền quyết định về tổ chức, mục đích, nội dung hoạt động.

Ngày 1/6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời. Các đồng chí Phạm Ngọc Thạch (Bác sĩ), Huỳnh Tấn Phát (Kiến trúc sư), Nguyễn Văn Thủ (Nha sĩ), Thái Văn Lung (Luật sư).. cùng các sinh viên Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ,… trở thành các thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong. Xứ uỷ bố trí đảng viên cán bộ cốt cán nắm giữ những vị trí then chốt trong Thanh niên Tiền phong. Thanh niên Tiền phong đã đưa ra nội dung và hình thức hoạt động phong phú nên đã cuốn hút được tuổi trẻ. Vào tháng 7/1945 thanh niên Tiền phong Sài Gòn tổ chức lễ tuyên thệ tại Vườn Ông Thượng. Các cán bộ lãnh đạo thanh niên tiền phong ra lời hiệu triệu: "Thanh niên hãy nhận thức rằng thời cơ đất nước đang đến, thanh niên Việt Nam phải sẵn sàng, phải hiệp lực để cứu nước". Vì vậy chỉ trong thời gian vài ba tháng, số lượng Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn đã lên đến 200.000 người và toàn Nam Bộ có hơn 1 triệu người. Đây là một phong trào thanh niên rộng rãi hoạt động theo định hướng của Đảng. Anh chị em Thanh niên Tiền phong đóng vai trò rất tích cực trong quá trình vận động, tập hợp lực lượng thanh niên chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã tuyển chọn kết nạp được nhiều đoàn viên trong phong trào quần chúng rộng lớn, một hình thức mặt trận được tổ chức công khai do Đảng lãnh đạo, giữ vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính chính quyền. Ngày 20/8/1945, khi Việt Minh ra công khai hoạt động ở thành phố Sài Gòn thì Thanh niên Tiền phong tuyên bố đứng vào hàng ngũ Mặt trận Việt Minh. (Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Thanh niên Tiền phong chấm dứt vai trò của mình. Số đông gia nhập Thanh niên Cứu quốc, dân quân tự vệ…)

ở các tỉnh Nam Bộ, ngoài Thanh niên Tiền phong còn có các đội thanh niên chiến đấu, thanh niên cảm tử… được thành lập đáp ứng yêu cầu tình hình cách mạng. ở Mỹ Tho đã tổ chức được 3 trung đội du kích với 32 khẩu súng và mở lớp huấn luyện về chiến thuật du kích cho cán bộ cơ sở trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Giữa lúc cao trào kháng Nhật của nhân dân ta phát triển đến đỉnh điểm, toàn dân đã sẵn sàng xông lên khởi nghĩa thì ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, chỉ trong thời gian ngắn quân đội Xô viết anh hùng đã tiêu diệt hoàn toàn đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật gồm 1 triệu tên. Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh không điều kiện. Thời cơ Tổng khởi nghiã đã đến.

Trước tình hình khẩn cấp đó, ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ta đã họp ở Tân Trào. Hội nghị nhận định “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”, và quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân đồng minh tiến vào Đông Dương để giải giáp Nhật.

Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội Quốc dân cũng họp tại Tân Trào vào ngày 16/8/1945 thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Trung ương tức Chính phủ Lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng chí Vũ Oanh và đồng chí Vũ Quang đại biểu của thanh niên Hà Nội tham dự Đại hội Tân Trào.

Mệnh lệnh khởi nghĩa được truyền đi từ Tân Trào. Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu đồng bào và chiến sỹ cả nước nổi dậy giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ngay trong đêm, 13/8/1945, Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc đã gửi Quân lệnh số 1 lệnh cho đồng bào, chiến sỹ cả nước nhanh chóng vùng dậy tranh quyền độc lập cho đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn hai mươi triệu đồng bào cả nước ta từ Bắc đến Nam đã đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất giải phóng toàn bộ đất nước giành chính quyền về tay nhân dân.

Đoàn Thanh niên Cứu quốc lúc này đã có lực lượng hùng hậu gần 30.000 đoàn viên và hội viên thanh niên cùng hàng triệu thanh niên cảm tình cách mạng có mặt ở các trung tâm chính trị – kinh tế lớn của cả nước. Đây là đội quân xung kích giữ vai trò nòng cốt trọng điểm, hàng vạn thanh niên tự vệ, thanh niên xung phong dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đánh chiếm các huyện lỵ, tỉnh lỵ, trại lính, công sở của địch… Từ 14 đến ngày 18 tháng 8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành đựơc thắng lợi ở nhiều huyện trong khu giải phóng và một số tỉnh đồng bằng ở miền Bắc, một số tỉnh ở miền Trung, và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, thị xã Hội An (Quảng Nam)…

ở Hà Nội, ngày 17/8/1945, mặc dầu Nhật đã đầu hàng nhưng bọn tay sai Nhật còn dùng “Tổng hội viên chức” tổ chức cuộc mít tinh lớn ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội, đoàn viên, hội viên thanh niên trong các đội tuyên truyền xung phong và đội tự vệ đã chiếm diễn đàn cuộc mít tinh, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh và tham gia Tổng khởi nghĩa. Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, làm cho bọn tay sai của Nhật trong chính phủ bù nhìn hoang mang, dao động đến cực độ. Trước tình hình ấy, Xứ uỷ và Thành uỷ lập tức quyết định khởi nghĩa ở Hà Nội vào ngày 19/8/1945.

Từ sáng sớm ngày 19/8, cả Hà Nội đã vùng lên. Sau cuộc mít tinh lớn, quần chúng cách mạng sắp xếp thành đội ngũ dẫn đầu là các đơn vị tự vệ chiến đấu trẻ tuổi đã nhanh chóng toả đi các hướng chiếm phủ Khâm sai, trại Bảo an binh, Sở cảnh sát và các công sở khác của chính quyền bù nhìn.

Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội làm cho chính quyền bù nhìn thêm tê liệt, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các địa phương gấp rút nổi dậy. Ngày 23/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Hàng chục vạn thanh niên và nhân dân Thừa Thiên –Huế đã vùng lên tiến công phát xít Nhật, chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn và hoàn toàn làm chủ thành phố.

Ngai vàng cuối cùng của chế độ phong kiến bị đánh đổ. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên kỳ đài uy nghi. Ngày 30/8 tại lầu Ngọ Môn, trước hàng vạn đồng bào các giới, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao lại ấn kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng từ Hà Nội vào.

ở Nam Bộ, lệnh khởi nghĩa đã được truyền đi. Ngay đêm 24/8/1945, tại Sài Gòn, lực lượng cách mạng chiếm dinh Khâm sai và nhiều cơ quan trọng yếu khác. Ba giờ sáng ngày 25/8/1945, cả Sài Gòn đã vang lên tiếng hát Lên đàng, Thanh niên hành khúc… và tiếng hô vang Việt Nam độc lập muôn năm, Đả đảo phát xít Nhật, ủng hộ Việt Minh… Một cuộc mít tinh lịch sử diễn ra giữa Sài Gòn hân hoan chào đón Kỳ bộ Việt Minh, Uỷ ban Hành chính Lâm thời ra mắt đồng bào và tuổi trẻ thành phố.

Như vậy là chỉ trong vòng hơn 10 ngày đêm, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hai mươi lăm triệu đồng bào và tuổi trẻ cả nước đứng lên làm chủ vận mệnh Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trước cuộc mít tinh của một biển người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.

Trong cao trào giải phóng dân tộc mà đỉnh cao nhất là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên đã động viên, tổ chức tuổi trẻ cả nước góp phần xứng đáng vào thành công to lớn của cuộc Tổng khởi nghĩa. Đoàn thật sự là đội xung kích cách mạng, lực lượng tiên phong và hạt nhân tập hợp, đoàn kết hàng triệu nam nữ thanh niên Việt Nam đứng lên cùng toàn dân đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự lớn mạnh về mọi mặt của tổ chức Đoàn và các hội quần chúng của thanh niên là điều kiện hết sức quan trọng để tuổi trẻ tiếp tục gánh vác nhiệm vụ vẻ vang cùng toàn dân xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Chặng đường lịch sử từ 1925 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tuy chỉ 20 năm song trên đất nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại. Đó là giai đoạn chuẩn bị thành lập Đảng, chuẩn bị xây dựng Đoàn, tập hợp đoàn kết các lực lượng thanh niên, giai đoạn đấu tranh quyết liệt chống đế quốc, phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất quyết định thắng lợi hoàn toàn của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu á.

Ngay từ năm 1925, tại trường Huấn luyện cán bộ thanh niên ở Quảng Châu, Nguyễn ái Quốc đã khẳng định: Muốn cách mạng thắng lợi phải có Đảng cách mạng lãnh đạo, Đảng ấy phải biết vận động, đoàn kết, tập hợp, huấn luyện quần chúng để tạo ra sức mạnh thực hiện đường lối cách mạng của Đảng.

Luận điểm đúng đắn, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc là thức tỉnh thanh niên để đi tới thức tỉnh cả dân tộc hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta – một nước thuộc địa và nửa phong kiến đã đưa lại những thành công to lớn trong hoạt động thực tiễn.

Xuất phát từ sự nhìn nhận đúng đắn vai trò của tuổi trẻ trong lịch sử cũng như khả năng cách mạng to lớn của họ trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo Đảng ta và chính Người cũng là người sáng lập, rèn luyện Đoàn ta “Từ lúc đầu hiếm hoi chỉ có 8 cháu" đến "khối đại đoàn kết thanh niên trong một mặt trận rộng rãi”. Đây là vinh dự to lớn cho thế hệ trẻ nước ta.

Ngay sau khi ra đời, Đảng ta liền bắt tay vào quá trình xây dựng hệ thống tổ chức Đoàn và ra sức đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên theo nhiều phương thức khác nhau phấn đấu vì mục tiêu chung giành giải phóng dân tộc và giai cấp.

Công lao to lớn không gì so sánh được của Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh là đã đem lý tưởng cách mạng đến cho lớp thanh niên đầy tâm huyết đang trăn trở tìm đường đấu tranh đúng đắn để giải phóng dân tộc và giai cấp khỏi cảnh sống nô lệ, lầm than hồi đầu thế kỷ sau bao lần thất bại của các tiên liệt yêu nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một chặng đường vô cùng oanh liệt, hào hùng với biết bao anh hùng, liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp cao cả của dân tộc và Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Những trang sử vàng ấy đời đời khắc ghi vào tâm trí các thế hệ trẻ nước ta.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
   
 
 
 
 
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 15.032.347
Truy cập hiện tại 23.649