Tìm kiếm tin tức
CHƯƠNG VI: ĐẠI HỘI LIÊN ĐOÀN THANH NIÊN VIỆT NAM LẦN THỨ NHẤT, ĐIỆN BIÊN PHỦ - TUỔI TRẺ VÀ CHIẾN CÔNG
10/18/2007 9:13:32 AM

Bước sang năm 1950, dưới ánh sáng các Nghị quyết về công tác thanh niên của Đảng, phong trào thanh niên phát triển ngày càng vững chắc, tổ chức Đoàn lớn mạnh trong cả nước cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến.

Ngày 7 tháng 2 năm 1950, tại căn cứ địa kháng chiến ở Việt Bắc, xã Cao Vân- huyện Đại Từ – tỉnh Thái Nguyên, Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ I đã khai mạc. Đồng chí Nguyễn Lam, Bí thứ Trung ương Đoàn trình bày trước Đại hội bản báo cáo Chính trị nhan đề: “Chiến đấu và xây dựng tương lai”.

Bản báo cáo đã đánh giá sự phát triển của Đoàn Thanh niên Cứu quốc từ năm 1941 đến năm 1950 đồng thời đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Đoàn nhằm thống nhất lực lượng thanh niên trong cả nước để cùng với toàn dân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc mau đến thắng lợi.

Báo cáo khẳng định, nhiệm vụ trước mắt của Đoàn là động viên, giáo dục, thống nhất lực lượng thanh niên, cổ vũ thế hệ trẻ tích cực tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch quân thù ra khỏi đất nước; xây dựng chế độ dân chủ cộng hoà góp phần vào công cuộc bảo vệ hoà bình thế giới.

Đại hội Đoàn đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới. Đồng chí Nguyễn Lam được bầu lại làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.

Tiếp theo Đại hội Đoàn là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam diễn ra ngày 25/2/1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội là sự thể hiện khối đoàn kết của toàn thể thanh niên Việt Nam trong mặt trận thanh niên vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi.

Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ I vô cùng vinh dự và phấn khởi được Hồ Chủ tịch đến thăm. Người ân cần dặn dò thanh niên cả nước đoàn kết, tích cực đóng góp vào công cuộc kháng chiến và chăm sóc nhi đồng, xây dựng Liên đoàn Thanh niên Việt Nam thành mặt trận rộng rãi, đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên để phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Chủ tịch của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam. Đại hội đã thông qua Nghị quyết và Điều lệ của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Đại hội nêu tấm gương dũng cảm của đồng chí Thái Dũng - chiến sĩ trẻ của Đại đoàn 308 đã chiến đấu trên 100 trận, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch để thanh niên cả nước noi theo.

Đại hội nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế với thanh niên Lào, Campuchia và với Tổ chức Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới mà Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 1946.

Phát biểu tại Đại hội Đoàn và Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, đồng chí Lêôphighơ - đại diện Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới và Thanh niên Pháp chân thành ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, coi thanh niên Việt Nam như một tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. Đồng chí cũng giới thiệu phong trào đấu tranh của thanh niên Pháp và thanh niên thế giới chống cuộc chiến của thực dân Pháp ở Đông Dương. Trở về nước, đồng chí Lêôphighơ đã viết nhiều bài báo và cho in nhiều ảnh trên các báo ở Pháp và Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới, phản ánh cuộc chiến đấu và các phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam, gây ảnh hưởng sâu rộng trong thanh niên ở Pháp và ở châu Âu.

Cuộc kháng chiến càng phát triển thì vai trò của thanh niên càng to lớn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 24/7/1950 đã ra Nghị quyết về vận động thanh niên và đề ra 4 nhiệm vụ trước mắt là:

- Động viên thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến, hoàn thành công việc chuẩn bị chuyển sang tổng phản công;

- Kiên quyết xây dựng tổ chức thanh niên trung kiên gần Đảng, phát triển rộng rãi Mặt trận thanh niên;

- Đem lại quyền lợi thiết thực cho thanh niên, đặc biệt chú trọng vấn đề học tập văn hoá và nghề nghiệp cho thanh niên;

- Giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Thu - Đông năm 1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên Giới nhằm khai thông đường liên lạc giữa nước ta với hệ thống xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ điạ Việt Bắc, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, ngày 15/7/1950, Đảng - Đoàn thanh vận Trung ương quyết định thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên để phục vụ chiến dịch Biên Giới. Đội gồm 225 đội viên, là những đoàn viên, hội viên, thanh niên tích cực nhất được tuyển chọn từ các địa phương.

Liên khu Việt Bắc là địa phương chính động viên sức người, sức của, phục vụ chiến dịch. Đảng bộ Liên khu đã huy động được 121.700 thanh niên thuộc các dân tộc ở Việt Bắc tham gia phục vụ tiền tuyến với 1.716.000 ngày công.

Chiến dịch Biên Giới, Bác Hồ ra mặt trận. Bác ngồi xe vận tải nhưng chỉ đi được từng đoạn vì đường chưa thông suốt, lại rất nhiều ổ gà nên Bác đi bộ là chính. Trong suốt thời gian chiến dịch, Bác đã ở sát mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo bộ đội chiến đấu.

Đêm 16/9/1950, bộ đội ta tấn công vào cứ điểm Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên Giới lịch sử. Sau 2 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê. Ngay từ trận đầu của chiến dịch và trong suốt chiến dịch, tuổi trẻ trong các lực lượng vũ trang, lực lượng Thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đã nêu nhiều gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm tuyệt vời. Đó là chiến sĩ bộc phá, người Đảng viên trẻ tuổi La Văn Cầu, nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương của mình rồi tiếp tục xông lên phá công sự của giặc. Anh là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết giặc lập công của thanh niên cả nước. Đó là Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình bịt lỗ châu mai mở đường cho đơn vị xông lên giết giặc. Chiến sĩ dân công Đinh Thị Dậu, nhiều lần xông lên dưới bom đạn cứu thương binh. Chiến sĩ Lý Văn Mưu mới 17 tuổi đời, đánh trận đầu tiên ở Đông Khê, anh đã 20 lần cõng thương binh, tử sĩ về hậu tuyến rồi lại xông lên chiến đấu, cùng đồng đội phá tan lô cốt địch.

Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao như vận chuyển vũ khí phục vụ bộ đội chiến đấu, đưa thương binh về tuyến sau và thu dọn chiến trường. Đội đã nhanh chóng vận chuyển 8 tấn đạn chiến lợi phẩm của mặt trận Đông Khê về kho an toàn. Thành tích của đội Thanh niên xung phong công tác đầu tiên phục vụ chiến dịch Biên Giới đã được Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương trong buổi lễ mừng chiến thắng tổ chức tại thị xã Cao Bằng.

Chiến thắng Biên Giới đã cổ vũ mạnh mẽ tuổi trẻ cả nước xông lên giết giặc lập công.

ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, quân ta tiêu diệt và bức rút 44 vị trí, tiêu diệt 700 địch và buộc chúng phải rút khỏi thị xã Hoà Bình.

ở Hà Nội, đêm 10/01/1950, bộ đội cùng du kích đột nhập sân bay Bạch Mai phá huỷ 25 máy bay, đốt cháy trên 65.000 lít xăng. Suốt mấy ngày đêm phi trường địch ngùn ngụt khói lửa. Cho đến cuối năm 1950, lực lượng vũ trang nội, ngoại thành Hà Nội đã liên tiếp tấn công các vị trí ở Tương Mai, Đại Yên, Trung Hoà, Dịch Vọng…tiêu hao nhiều sinh lực địch.

ở Bình Trị Thiên, quân ta đột nhập thị xã Quảng Trị, chống càn thắng lợi ở Quảng Bình, đánh giao thông trên đường Huế - Đà Nẵng…

ở Liên khu V, quân ta diệt gần 1.000 tên địch. Chiến công của người đoàn viên Trần Đích – Tiểu đội trưởng du kích xã Điện Ngọc (Điện Bàn – Quảng Nam) dùng lựu đạn cùng đồng đội tiêu diệt xe tăng địch đã mở đầu cách đánh tăng bằng lựu đạn trên khắp chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Anh Trần Đích được tuyên dương tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Liên khu V tháng 3/1953.

ở Nam Bộ, ta diệt hàng ngàn tên địch và phá trên 40 tháp canh.

Tháng 5/1950, ở Bà Rịa (Nam Bộ) và ở tỉnh Hưng Yên, có 2 nữ chiến sĩ công an nhân dân đã dũng cảm trừ gian, diệt tề để bảo vệ cơ sở, phát triển phong trào cách mạng. Cả 2 chị đã anh dũng hi sinh và đều được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đó là Võ Thị Sáu, người con gái đất đỏ ở Bà Rịa (Nam Bộ), đội viên công an xung phong chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công diệt trừ ác ôn, bảo vệ cơ sở không may bị sa vào tay giặc, chị bị tra khảo dã man, chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn một mực không khai báo. Trước giờ hi sinh, Võ Thị Sáu từ chối rửa tội, từ chối bịt mắt, bình tĩnh hiên ngang hát vang quốc ca Việt Nam: "Đoàn quân Việt Nam đi…" sau này Võ Thị Sáu đã được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu vẻ vang Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.. Chị Võ Thị Sáu bị thực dân Pháp xử bắn ở Côn Đảo mờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952.

Chị Bùi Thị Cúc, cán bộ thanh niên xung phong tỉnh Hưng Yên đã mưu trí dũng cám diệt tề, trừ gian, chị bị giặc bắt, chúng đánh đập, tra tấn chị rất dã man nhưng vẫn không khai thác được điều gì. Giặc bèn mang chị ra trói ở cọc giữa chợ huyện, dùng mọi nhục hình tra tấn và bắt nhân dân phải chứng kiến hòng lung lạc tinh thần của chị và đồng bào. Nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ công an. Chị nói với đồng bào: "Bà con đừng sợ! Bọn giặc dù gian ác đến mấy cũng không thể chiến thắng được chúng ta. Kháng chiến nhất định thắng lợi! Hồ Chủ tịch muôn năm!"

Chị hy sinh lúc tròn 20 tuổi.

Ngày 15 tháng 1 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh truy tặng liệt sĩ Bùi Thị Cúc Huân chương Độc lập hạng Ba và tặng chị 6 chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”.

Tấm gương trung kiên, bất khuất của đội viên thiếu niên Phạm Ngọc Đa sống mãi với truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam. Phạm Ngọc Đa quê ở xã Bạch Đằng, Tiên Lãng (Kiến An) mồ côi cha mẹ, Đa phải đi ở để kiếm sống. Căm thù giặc Pháp, Đa tham gia công tác kháng chiến, làm quân báo cho du kích xã. Đội của em được giao nhiệm vụ đào hầm bí mật để che giấu cán bộ, du kích. Trong một trận vây càn của địch, ngay hôm đầu tiên chúng đã phát hiện được hầm của Đa. Địch bắt và trói Đa trên một tấm phản tra tấn rất dã man, bắt Đa chỉ các hầm bí mật. Đa nói lớn vào mặt kẻ thù cốt để các anh chị ẩn nấp xung quanh đấy yên tâm: “Đúng, tao biết nhiều hầm nhưng không phải là để khai ra với chúng mày!” Tên quan ba Pháp nổi tiếng tàn ác cầm dao chặt lìa một cánh tay của Đa. Trong đau đớn, em vẫn giữ được khí tiết.

Để ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của người đội viên thiếu niên, Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Phạm Ngọc Đa danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Em Trần Đông, 14 tuổi là đội viên đội biệt động thị xã Cần Thơ bị bọn phản động bắt với 2 quả lựu đạn định ném vào bọn Pháp. Bị cực hình, tra tấn, em một mực không khai. Giặc đưa Đông ra cầu tàu xử bắn. Chúng bảo Đông bước qua ảnh Bác Hồ thì sẽ được tha. Trần Đông bước đến cạnh ảnh Bác Hồ, quỳ xuống, cầm tấm ảnh nâng đặt lên đầu, đi thẳng đến cột bắn và hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm!”

Trần Văn Chuông tiêu biểu cho tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của tuổi trẻ Hà Nam, tám lần anh xung phong tòng quân nhưng đều bị loại vì không đủ sức khoẻ. Đến năm 1948 anh mới được nhập ngũ. Do có nhiều sáng kiến đánh bom, mìn nên đồng đội tặng anh danh hiệu: “Vua mìn”. Kinh nghiệm đánh bom, mìn của anh được phổ biến rộng rãi trong toàn Liên khu III. Anh đã đánh giặc trên 200 trận, tiêu diệt 392 tên. Trần Văn Chuông đã hy sinh trong khi chỉ huy đánh tàu chiến dịch trên sông Hồng vào ngày 22/2/1954. Anh được Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội và Huân chương quân công hạng Nhất.

ở Liên khu V, Anh hùng Bùi Chát, Đội trưởng Đội Công binh Hải Vân và các chiến sĩ thi đua Nguyễn Thị Dung (thị xã Hội An), Võ Lanh, Nguyễn Toản, Nguyễn Cương…là những điển hình trong biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường vì sự thắng lợi của công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Sau chiến thắng Biên giới và các chiến trường phối hợp, thế và lực của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của ta ngày càng phát triển. Trong không khí ấy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã họp từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951 tại vùng căn cứ Việt Bắc. Đại hội đã quyết định 2 vấn đề hệ trọng đối với Đảng và toàn dân:

Đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Từ nay, Đảng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Đoàn đại biểu của Tiểu ban Thanh vận Trung ương đã trình bày trước Đại hội bản tham luận quan trọng về nội dung, phương hướng tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc và công tác vận động thanh niên trong tình hình mới để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Toàn thể thanh niên và tuổi trẻ cả nước vô cùng phấn khởi và tin tưởng ở đường lối kháng chiến mà Đại hội Đảng đã quyết định, ra sức đóng góp sức lực để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Liên đoàn Thanh niên Việt Nam mà Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt đã động viên đoàn viên, thanh niên trong cả nước đẩy mạnh các phong trào tòng quân, giết giặc lập công; phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; phong trào đi dân công, thanh niên xung phong, phục vụ tiền tuyến; phong trào đấu tranh chống địch bắt lính và đấu tranh của thanh niên trong các vùng bị địch tạm chiếm; phong trào xoá nạn mù chữ và xây dựng đời sống mới ở các vùng tự do; phong trào thiếu nhi.

Một vinh dự lớn đối với Đội Thanh niên xung phong là được sự quan tâm và động viên to lớn của Bác Hồ. Ngày 20/3/1951, Bác Hồ đã đến thăm đội Thanh niên xung phong Liên phân đội 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (Bắc Kạn). Đồng chí Việt Thi, đội viên đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương của Liên phân đội 312 vẫn còn nhớ rõ buổi đón Bác rất thiêng liêng và cảm động giữa núi rừng Việt Bắc. Đồng chí Việt Thi kể: Được tin đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần sẽ đến thăm đơn vị. Chúng tôi tổ chức một đêm lửa trại trong rừng Nà Cù để đón khách… Thấy ánh đèn pin loang loáng từ ngoài cửa rừng đi vào, biết là khách đã đến, tôi cho tập hợp anh chị em và vỗ tay hoan hỉ khi đoàn khách còn chưa vào đến nơi.

“Hoan hô đồng chí Trần Đăng Ninh! Hoan hô!...”

Hô xong định thần nhìn lại, tất cả chúng tôi đều sững sờ trước niềm hạnh phúc bất ngờ: Bác Hồ. Hàng ngũ xáo động, xôn xao. Nhưng do việc giữ bí mật đã ăn sâu vào ý thức từng người, nên trong hàng ngũ chỉ truyền đi những tiếng reo se sẽ: Bác, Bác Hồ!

Đúng! Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao. Bác đã đến thăm đơn vị chúng tôi. Đồng chí Trần Đăng Ninh chỉ là người dẫn đường. Bác mặc bộ quần áo bà ba màu gụ, chiếc khăn quàng cổ khéo léo che kín bộ râu…

Bác tươi cười trìu mến nhìn đàn cháu và giơ tay ra hiệu:
- Các cháu ngồi cả xuống!

Thế là đang lộn xộn nhốn nháo, chúng tôi răm rắp theo lời Bác ngồi xuống im phăng phắc chờ đợi…

Những câu đầu tiên Bác hỏi chúng tôi là những lời thăm hỏi ân cần về tình hình đời sống của đơn vị. Bác hỏi:
- Các cháu ăn có đủ no không?
- Thưa Bác có ạ!
- Các cháu có đủ muối ăn không?
- Thưa Bác có ạ!
- Quần áo, chăn màn, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh có đủ không?
Nhất nhất chúng tôi đều đồng thanh trả lời:
- Thưa Bác có ạ.

Qua nụ cười hiền từ của Bác, chúng tôi thấy Bác thừa biết là chúng tôi đã nói dối Bác. Trước khi đến thăm đơn vị chắc Bác đã được đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo đầy đủ về tình hình ăn đói mặc rách, thiếu rau, đói muối, tình hình sốt rét, ốm đau của Thanh niên xung phong lúc đó rồi.

Bác hỏi lại:
- Các cháu có biết Đảng Lao động Việt Nam không?
- Thưa Bác có ạ!

Nhưng liền sau đó khi Bác hỏi Đảng Lao động Việt Nam khác Đảng Cộng sản Đông Dương ở chỗ nào, một số trong chúng tôi được Bác kiểm tra trực tiếp toát mồ hôi hột, đã trả lời rất lúng túng, thậm chí có những câu trả lời rất ngớ ngẩn, tất cả chúng tôi mới thấy hiểu biết của mình về Đảng còn lơ mơ quá.

Bằng những lời ngắn gọn, dễ hiểu, Bác giới thiệu sự kiện lịch sử Đại hội Đảng lần thứ II vừa họp, tại sao Đảng ta từ nay lại lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam…

Cuối cùng Bác nghiêm khắc nhắc nhở:

- Lần sau, cái gì không biết các cháu phải nói không biết. Không biết mà nói biết là giấu dốt!

Chúng tôi đang chưa hết choáng váng về lời phê bình của Bác thì Bác lại hỏi tiếp:

- Đào núi có khó không?

Chúng tôi thận trọng không dám trả lời ào ào như trước nữa. Chẳng ai đoán được ý Bác thế nào.Thế là người trả lời khó, người trả lời không khó. Trả lời xong mà vẫn cứ nơm nớp sợ Bác vặn hỏi sâu thêm.

Bác chưa kết luận mà hỏi thêm:

- Có ai dám đào núi không?

Và Bác chỉ định một đội viên nữ ngồi ngay trước mặt Bác. Đồng chí này đứng lên mạnh dạn thưa:

- Thưa Bác có ạ! Thanh niên xung phong chúng cháu hàng ngày vẫn đào núi để đảm bảo giao thông ạ!

Bác gật đầu mỉm cười vừa ý với câu trả lời thông minh đầy khí phách của thanh niên đó và hỏi tiếp:

- Có ai lấp biển không?

Câu hỏi đối với chúng tôi thật là hóc búa. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ chúng tôi nào ai đã được trông thấy biển, chỉ được biết biển qua sách vở hoặc chỉ được nghe câu “Lấp biển vá trời”.

Đã không vá được trời thì làm sao lấp biển được!

Tất cả đang còn lúng túng thì Bác gỡ bí cho:

- Có chuyện con người dám đào núi thì cũng có chuyện con người dám lấp biển đấy! Cảng Hải Phòng và nhiều cảng khác trên thế giới đều được con người lấp biển xây dựng lên.

- Lấp biển có khó không?

Cũng như lần trước, chúng tôi người thì trả lời khó, người trả lời không khó.

Bác cười:

- Nói không khó là không đúng. Khó nhưng con người vẫn làm được, chỉ cần có cái gì?
Chúng tôi đã dần dần lấy lại được tinh thần, mạnh dạn hẳn lên, thi nhau giơ tay xin phát biểu. Người trả lời cần quyết tâm cao, cần kiên gan, bền trí, người trả lời cần vượt khó, vượt khổ, cần xung phong, dũng cảm v.v…

Bác động viên:

- Các cháu trả lời đều đúng cả. Tóm lại là việc gì dù khó mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí. Tục ngữ có câu: “Cục sắt mài mãi cũng nên kim”… Để các cháu dễ nhớ buổi nói chuyện của Bác hôm nay, Bác tặng các cháu một bài thơ:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đài núi và lấp biển
Quyết chí cũng làm nên!

Đọc xong bốn câu thơ, Bác lại bảo tất cả đồng thanh nhắc lại. Cuối cùng tôi được Bác chỉ định nhắc lại cả bài thơ.Thật may mắn, tôi đã nhắc lại trôi chảy, không sót một chữ nào.

Bác gật đầu tươi cười tỏ ý hài lòng và bảo tôi “cầm càng” cho tất cả hát một bài, nhưng Bác không chấp nhận cho hát bài “Hồ Chí Minh muôn năm” theo đề nghị của tôi.

Giữa rừng khuya, Bác cùng đàn cháu Thanh niên xung phong hoà nhịp vỗ tay theo bài ca “Nhạc tuổi xanh”. Chúng tôi hào hứng say mê đến khi bài hát được hát lại lần thứ hai kết thúc, nhìn lại thì không thấy Bác đâu nữa!

Bác xuất hiện rồi ra đi như một ông tiên trong chuyện cổ tích, đột ngột quá, huyền ảo quá khiến chúng tôi sững sờ, ngơ ngẩn hồi lâu…

Thực hiện chủ trương của Đảng về việc tăng cường công tác xây dựng các lực lượng vũ trang, mở nhiều chiến dịch với quy mô ngày càng lớn, tiến tới đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của bọn đế quốc, hàng chục vạn thanh niên tiếp tục tình nguyện gia nhập quân đội. Số thanh niên chiếm 80% trong quân đội. ở nhiều địa phương, ngày hội tòng quân được tổ chức sôi nổi, đầy khí thế và thanh niên trúng tuyển là một niềm vinh dự lớn lao. Hàng nghìn thanh niên, học sinh, sinh viên trong vùng địch tạm chiếm vượt ra vùng tự do cầm súng chiến đấu... Hầu hết thanh niên vùng tranh chấp và vùng tự do tham gia lực lượng dân quân du kích, công an xung phong. ở Nam Bộ, năm 1952 có 32.762 lượt thanh niên tòng quân, trong số đó có 10.322 thanh niên tham gia bộ đội chủ lực. ở Hải Phòng, phong trào tòng quân giết giặc sôi nổi trong các quận, huyện. Huyện Thuỷ Nguyên có 2.427 thanh niên, huyện Tiên Lãng có trên 4.000 thanh niên và quận Ngô Quyền có 917 thanh niên tòng quân. ở Quảng Nam - Đà Nẵng, riêng trong năm 1952 có hơn 28.000 thanh niên tình nguyện nhập ngũ.

Để trang bị cho thanh niên những hiểu biết về quân sự, ở Liên khu IX, khu V, Nam Bộ, Liên khu Việt Bắc đã tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho thanh niên, gây thành phong trào luyện tập quân sự sôi nổi trong tuổi trẻ. Riêng Liên khu Việt Bắc mở 258 lớp huấn luyện quân sự cho 16.741 đoàn viên, thanh niên, 9 khoá quân sự cho học sinh.

Từ cuối tháng 12/1950 đến tháng 5/1951, ta đã xây dựng thêm 3 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn pháo binh, công binh và 2 trung đoàn trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Cuối năm 1952 lập thêm một đại đoàn ở Bình Trị Thiên. Lúc này, ta đã có 6 đại đoàn bộ binh chủ lực, một đại đoàn công binh và pháo binh; mỗi liên khu có 2 trung đoàn chủ lực. Nam Bộ có 4 trung đoàn chủ lực.

Sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang, của chiến tranh nhân dân là điều kiện tiên quyết để quân dân ta liên tục tiến công kẻ thù, giành được nhiều thắng lợi to lớn ở các mặt trận Nam Bộ, Khu V, Hoà Bình và Tây Bắc…ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực, vùng giải phóng của ta được mở rộng không ngừng.

Tấm gương chiến đấu dũng cảm của Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan, một mình dùng lựu đạn diệt xe tăng địch tạo điều kiện cho đơn vị tiêu diệt giặc trong chiến dịch Hoà Bình được nêu gương học tập trong toàn quân.

Ngày 21/12/1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã gửi thư khen ngợi Đội Thanh niên xung phong công tác tỉnh Phú Thọ và nêu gương các bạn nam, nữ thanh niên đã có nhiều thành tích phục vụ chiến dịch Hoà Bình.

Phong trào chống địch bắt lính thực chất là một cuộc đấu tranh công khai, quyết liệt đối mặt với kẻ thù của thanh niên và nhân dân ta. ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Mỹ Tho, quần chúng dùng nhiều hình thức đấu tranh để giải thoát cho hàng nghìn thanh niên. ở Quảng Nam - Đà Nẵng, trong 6 tháng, địch bắt được 1.862 thanh niên thì đồng bào, thanh niên đã đấu tranh giành lại và giúp anh em bỏ trốn khỏi trại được 1.146 người.

Ngày 03/5/1953, 6.000 nhân dân thị xã Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) biểu tình trước nhà tên tỉnh trưởng bù nhìn, phản đối giặc Pháp và bọn tay sai bắt thanh niên đi lính. Sau đó một tuần, ngày 10/4, 1.600 thanh niên bị bắt đi lính tập trung ở trại Suối Dầu nổi dậy đấu tranh đòi giải ngũ. ở Hải Phòng, 3.000 quần chúng (trong đó có tới 600 trẻ em) ở xã Ngọc Hải, Đồ Sơn đã quyết liệt, dũng cảm đấu tranh với địch suốt 3 ngày, buộc chúng phải nhượng bộ thả hết 200 thanh niên.

Tại Hà Nội, cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra liên tục, dưới nhiều hình thức phong phú. Từ năm 1952 đến năm 1953, học sinh tú tài ở Hà Nội bị địch bắt đi huấn luyện để đào tạo sĩ quan cho quân đội ngụy, mà thực chất là bắt lính theo đạo dụ của Bảo Đại. Nhiều đợt học sinh tú tài bị bắt lính, thời gian này bọn nguỵ quyền đang mở rộng việc thực hiện sắc lệnh tổng động viên của chúng khiến cho mọi gia đình và học sinh đến tuổi quân dịch đều phải nâng cao cảnh giác và tìm cách đấu tranh.

Học sinh kháng chiến trường Chu Văn An được giao nhiệm vụ đưa tài liệu đến tận nhà những thanh niên có giấy gọi đi lính, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch đưa thanh niên học sinh đi làm bia đỡ đạn cho chúng, khuyến khích anh em tìm cách trốn lính.

ở ngay tại trường, nhóm của anh Tống Văn đã nghĩ ra một cách rải truyền đơn chống bắt lính khá độc đáo: “Các anh lẻn vào lớp trước giờ học, để truyền đơn lên các cánh quạt trần. Khi học sinh vào lớp vặn quạt, truyền đơn bay tứ tung, cả trường được một phen sôi nổi bàn tán”.

Việc vận động chống bắt lính đã đạt kết quả tốt, giữa năm 1952, địch triệu tập lớp sĩ quan Thủ Đức đến làm thủ tục trước một tuần ở trại Bảo Chính đoàn, số đến chỉ được non nửa số huy động. Trong dịp này, Hội Học sinh kháng chiến Hà Nội có sáng kiến rải truyền đơn bằng cách cho vào quang gánh móc sau tàu điện khi tàu chạy, truyền đơn được rải suốt từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến Bờ Hồ, hoặc tung truyền đơn vào xe chở lính trước cửa rạp tháng Tám khi xe lăn bánh. Đợt bắt lính tháng 12/1952, đã có tới 200 học sinh, sinh viên bỏ trốn, một số ra vùng tự do được Thành Đoàn bố trí học tập, sau đó một số đi bộ đội, một số làm cán bộ, hoặc có trường hợp lại trở về hoạt động nội thành.

Năm 1952, nhiều nữ sinh trường Trưng Vương (Hà Nội) cũng tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống bắt lính. Các nữ sinh chia nhau thành từng nhóm nhỏ, đến từng gia đình có thanh niên sắp bị địch tập trung đưa đi lính để trao thư khuyên nhủ, động viên thanh niên không mắc mưu của địch, không đi lính cho địch.

Tại các trại huấn luyện quân sự của thực dân Pháp ở Bắc Ninh, Quảng Yên, Đà Lạt, Sóc Trăng… thanh niên học sinh, sinh viên bị bắt lính đã tìm mọi cách phá rối trật tự trong trại hoặc trốn khỏi trại.

Bị thất bại nặng nề trên các chiến trường, quân số thiếu hụt nghiêm trọng, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ quyết định trong năm 1953 khẩn trương xây dựng một lực lượng nguỵ quân mới gồm 54 tiểu đoàn “khinh quân” và đến năm 1954 phát triển lên gấp đôi tức là khoảng hơn 100 tiểu đoàn, đưa quân số quân ngụy lên đến 29 vạn tên và dự tính xây dựng lực lượng cơ động là 7 sư đoàn gồm 27 binh đoàn. Xương sống của kế hoạch Nava chính là vấn đề phát triển ngụy quân với tốc độ và quy mô lớn để có thể đảm đương nhiệm vụ chiếm đóng thay thế hoàn toàn cho quân Âu – Phi được tổ chức lại thành những binh đoàn chủ lực với nhiệm vụ tác chiến cơ động.

Ngày 1/8/1953, Bảo Đại tiếp tục ký sắc lệnh tổng động viên 100.000 người nhập ngũ. Ngày 21/8/1953, lại ký tiếp sắc lệnh thứ 2 động viên 100.000 người nữa.

Trong ngày 15/12/1953, Thủ hiến bù nhìn Bắc Việt là Nguyễn Văn Tâm ra luôn 5 Nghị định gọi nhập ngũ tất cả học sinh, sinh viên, thanh niên sinh từ ngày 1/1/1929 đến ngày 31/12/1933, động viên đợt đầu 600 người và gọi những người hết hạn, miễn, hoãn phải nhập ngũ…

Địch đã dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, lừa bịp đến vây bắt, cưỡng bức thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, công chức đưa vào lính.

Các tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc trong vùng địch tạm chiếm đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thanh niên, công nhân, học sinh, sinh viên, viên chức nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù để không mắc mưu giặc, phản bội lại Tổ quốc.

Học sinh, sinh viên chống lại việc luyện tập quân sự trong các trường học và bí mật huỷ hoại các loại vũ khí địch đưa ra để luyện tập. ở Huế, học sinh trường Khải Định (Quốc Học) phá nhiều cuộc vây bắt lính của địch. Học sinh Huế căng khẩu hiệu “Đả đảo quân sự hoá học sinh” ở các trường; rải truyền đơn chống luyện tập quân sự, chống bắt lính ở nhiều nơi trong thành phố, có học sinh còn dùng vật nhọn như đinh viết lên bảng đen khẩu hiệu: “Không đi lính cho giặc” – “Bạn cầm súng bắn vào ai?”, khi xoá bảng khẩu hiệu hiện rõ. Sau đó Ban Giám hiệu nhà trường phải cho sơn lại bảng.

Ngày 27/5/1953, ở Hải Phòng, sau khi địch bắn chết anh thanh niên công nhân Nguyễn Bá Vượng vì kiên quyết không chịu để địch bắt lính, hơn 2 vạn đồng bào và học sinh đã biểu tình tuần hành chống bắt lính và phản đối hành động dã man của thực dân Pháp, sự kiện đó đã gây tiếng vang lớn trong cả nước.

Từ cuối năm 1951 đến đầu năm 1952, ở miền Bắc có 400.000 gia đình tham gia đấu tranh chống bắt lính, 18.638 nguỵ binh đòi giải ngũ, hàng vạn lính nguỵ ra hàng hoặc bỏ trốn về với gia đình.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào học sinh, sinh viên trong cả nước từ vùng tự do đến vùng tạm chiếm, ngày 8/7/1951, Hội nghị cán bộ học sinh, sinh viên toàn quốc lần thứ 2 được triệu tập tại chiến khu Việt Bắc.

Hội nghị đã thông qua Đề án công tác sinh viên trong giai đoạn mới và kiện toàn Ban Thường vụ Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thương được cử làm Chủ tịch Hội. Ban Thường vụ Trung ương Hội ra thông báo gửi đến các trường đại học, cao đẳng về việc phát động phong trào thi đua phấn đấu trở thành “Sinh viên gương mẫu”. Trong thời gian này, Hội nghị giáo dục toàn quốc cũng được tiến hành tại chiến khu Việt Bắc. Ban Thường vụ Trung ương Hội Sinh viên đã cử đại biểu tham gia hội nghị. Trong bức thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc (7/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên hệ với đời sống nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc”

Hội nghị cán bộ học sinh, sinh viên toàn quốc lần thứ 2 và Hội nghị ngành giáo dục toàn quốc đã biểu dương tấm gương yêu nước, kiên cường của học sinh Nguyễn Quốc Ân. Tháng 3/1951, hiệu trưởng trường trung học Tán Thuật (thị xã Hưng Yên) theo lệnh bọn địch bắt học sinh làm bài văn ca ngợi bọn bù nhìn vào dịp kỷ niệm một năm ngày thực dân Pháp trao trả độc lập giả hiệu cho Bảo Đại. Anh Nguyễn Quốc Ân đã dũng cảm lên án bọn bán nước và cướp nước, vạch mặt sự lừa bịp “trao trả độc lập” cho ông vua bù nhìn. Qua bài văn của mình, anh ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ kháng chiến. Nguyễn Quốc Ân bị địch bắt và tra tấn dã man để “tìm cơ sở Việt minh”. Anh nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Tôi nói sự thật”. Nguyễn Quốc Ân đã bị địch sát hại nhưng tinh thần yêu nước của anh mãi mãi ngời sáng.

Để khắc phục những khó khăn về kinh tế, tài chính và đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, năm 1952, Đảng và Chính phủ phát động cuộc vận động tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Phong trào sản xuất nông nghiệp trở thành một phong trào quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp. Đoàn viên, hội viên, thanh niên ở nông thôn nêu cao tinh thần yêu nước, khắc phục khó khăn để sản xuất. Đoàn viên, hội viên thanh niên ở các cơ quan, bộ đội, xí nghiệp, trường học đều hăng hái tham gia sản xuất lương thực và thực phẩm. Phong trào sản xuất tập thể của nông dân ở vùng tự do và vùng du kích như tổ đổi công, tổ vần công được phát triển. Công nhân cung cấp cho nông dân hàng vạn lưỡi cày, lưỡi cuốc và tổ chức những tổ lưu động đi sửa chữa dụng cụ cho nông dân.

ở vùng sau lưng địch, đoàn viên, hội viên, thanh niên đi đầu trong đấu tranh chống địch để sản xuất và bảo vệ sản xuất. Các cuộc đấu tranh chính trị chống giặc bắn đại bác ra đồng, cho xe lội nước quần nát lúa, đòi bồi thường thiệt hại về người và của liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi. Đoàn thanh niên có phong trào “Lúa xanh quanh vành đai trắng”, thanh niên dũng cảm cày cấy, gặt hái ngay trong tầm pháo đạn của địch.

Kết quả về sản xuất lương thực ở vùng tự do và vùng căn cứ du kích năm 1953, chỉ tính từ Liên khu IV trở ra đạt 2 triệu 758 nghìn tấn thóc và 650.850 tấn hoa màu. Liên khu V sản xuất cung cấp lương thực cho 2,5 triệu người và còn dành một phần tiếp tế cho cực Nam Trung Bộ.

Trong ngành quân giới và quân y, đoàn viên, hội viên thanh niên đã có nhiều sáng kiến về tăng năng suất và giải quyết khó khăn về kỹ thuật, nguyên liệu, vật liệu để đảm bảo kế hoạch sản xuất vũ khí và thuốc men. Tiêu biểu cho tinh thần say mê nghiên cứu, chế tạo thuốc chống bệnh sốt rét rừng là dược sĩ trẻ Lê Quang Toàn. Công trình của anh được Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động và danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Lê Quang Toàn là uỷ viên Ban Chấp hành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Trong ngành công nghiệp, đoàn viên, hội viên, thanh niên dấy lên phong trào thi đua học tập tấm gương lao động quên mình phục vụ kháng chiến của người thợ trẻ Cao Viết Bảo. Anh là uỷ viên Ban Chấp hành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Trong các lực lượng vũ trang, phong trào thi đua lập công sôi nổi rộng khắp. Ngày 12/4/1952, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị thi đua trong các lực lượng vũ trang, 50 chiến sĩ trẻ của quân đội được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Ngày 21/02/1952, tại Việt Bắc, Trung ương Đoàn và Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị chiến sĩ thi đua đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương.

Hội nghị tuyên dương 200 cá nhân gương mẫu ở các phân đội, 27 chiến sĩ thi đua cấp liên phân đội và 7 chiến sĩ thi đua toàn đội. Vũ Viết Thân và Phạm Thị Thành được bầu đi dự Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn quân và toàn quốc. Hội nghị nêu cao quyết tâm thực hiện những lời dạy bảo của Bác Hồ.

Ngày 01/5/1952, tuổi trẻ cả nước hướng về Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất khai mạc trọng thể tại Việt Bắc. Dự đại hội có 154 chiến sĩ mà hầu hết là tuổi thanh niên, tiêu biểu cho các ngành công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Tôn Đức Thắng và nhiều vị lãnh đạo khác của Đảng, Chính phủ đã tới dự.

Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích sâu sắc mục đích và nội dung của phong trào thi đua yêu nước và chỉ rõ thi đua là đoàn kết, là yêu nước một cách thiết thực và tích cực, là giành độc lập, tự do, góp phần giữ gìn hoà bình, dân chủ thế giới, là cải tạo con người. Người căn dặn các cán bộ và chiến sĩ phát huy hơn nữa tinh thần gương mẫu, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi khẩu hiệu “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Đại hội đã tôn vinh 3 Anh hùng lao động Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và 4 Anh hùng quân đội Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Quốc Trị cùng các chiến sĩ tiêu biểu như Cao Viết Bảo, Giáp Văn Khương, Vũ Viết Thân, Phạm Thị Thành… đó là 7 Anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ và nhân dân ta.

Những thắng lợi của cuộc kháng chiến về chính trị, quân sự, kinh tế… tạo điều kiện thuận lợi cho công tác văn hoá, giáo dục phát triển nhanh chóng và vững chắc.

Từ Cách mạng Tháng Tám đến năm 1950 đã có 14 triệu người thoát nạn mù chữ. Từ năm 1950 đến tháng 9/1953, có 10.450 lớp bổ túc văn hoá gồm 335.946 học viên. Một số trường phổ thông lao động ở Trung ương và các tỉnh được thành lập, thu hút 1.467 cán bộ công, nông, binh và chiến sĩ thi đua theo học.Các trường phổ thông được mở ở vùng giải phóng. Ngay trong những năm kháng chiến đầy gian khổ và khó khăn, Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và đội ngũ cán bộ có trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật cao; Người đã ra Chỉ thị hình thành các trường đại học trong vùng giải phóng và chăm sóc chu đáo cũng như tạo điều kiện cho lớp trí thức trẻ học tập, rèn luyện. Từ năm 1951 đến năm 1953 có 7.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo. Đến năm 1954 đã có 3.400 học sinh được đưa đi học ở nước ngoài.

Một sự kiện chính trị quan trọng trong phong trào học sinh, sinh viên thời kỳ kháng chiến chống Pháp là Hội nghị cán bộ học sinh, sinh viên toàn quốc lần thứ 3. Hội nghị được tổ chức ngày 15/6/1952. Gần 300 đại biểu từ mọi miền đất nước đã về Việt Bắc tham gia Hội nghị. Hội nghị đã thông qua nhiều đề án công tác quan trọng về xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc trong nhà trường – lực lượng nòng cốt trong phong trào học sinh, sinh viên; xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam, xây dựng các hiệu đoàn học sinh ở trường trung học. Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã truyền đạt đường lối kháng chiến và xây dựng nền giáo dục mới của nước ta, đặc biệt là chủ trương đào tạo cán bộ chuẩn bị đội ngũ những người có đức, có tài để phục vụ cho đất nước khi kháng chiến thành công. Đồng chí nhiệt liệt biểu dương những thành tích của phong trào học sinh, sinh viên.

Tại Hội nghị, đoàn học sinh, sinh viên đã trình bày bản đề án công tác 10 điểm nhằm tổ chức, động viên toàn thể sinh viên tích cực tham gia học tập và phục vụ kháng chiến, trong đó nhấn mạnh đến việc phát động phong trào chống địch bắt lính trong thanh niên, học sinh, sinh viên.

Hội nghị cũng thông qua đề án về duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào phấn đấu trở thành học sinh, sinh viên gương mẫu.

Hội nghị nghe báo cáo điển hình của học sinh Hà Học Hợi và sinh viên Nguyễn Đình Tứ và nhất trí tặng danh hiệu “Học sinh gương mẫu” cho anh Hà Học Hợi và “Sinh viên gương mẫu” cho anh Nguyễn Đình Tứ

Ra đời trong những năm 1950, báo chí của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Đoàn Thanh niên cứu quốc đã góp phần tích cực vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên. Các tờ Tiền phong, Xung phong, Sức trẻ, Thanh niên Việt Nam, Thanh niên Cứu quốc luôn là người bạn đồng hành của thanh niên trong những ngày kháng chiến gian khổ, ác liệt mà vẫn lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng. Báo chí của Đoàn và Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã giúp cho đông đảo bạn trẻ đến với lý tưởng cách mạng, nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc để sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trên các trang báo thường xuyên nêu lên những tấm gương chiến đấu ngoan cường, hy sinh oanh liệt của biết bao thanh niên khắp các miền Tổ quốc, những điển hình cá nhân và tập thể gương mẫu trong lao động sản xuất, trong dân công, thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến.

*
*   *

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ngày càng có tiếng vang trên trường quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Đặc biệt từ năm 1950, việc chính phủ Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân lần lượt chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ ta là một thắng lợi to lớn về chính trị đối với công cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, hoạt động quốc tế của Liên đoàn Thanh niên thời kỳ này là thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa phong trào thanh niên Việt Nam và phong trào thanh niên Đông Dương với phong trào thanh niên thế giới. Liên đoàn Thanh niên Việt Nam thường xuyên giáo dục tinh thần quốc tế vô sản cho thanh niên, tích cực phối hợp với tuổi trẻ Xô viết và thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ nhân dân, với thanh niên và nhân dân Pháp yêu chuộng hoà bình, chống cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tháng 7/1947, Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ nhất được tổ chức tại Praha (Thủ đô Cộng hoà Séc ngày nay). Do hoàn cảnh đang kháng chiến nên thanh niên Việt Nam không có đoàn đại biểu từ trong nước đến dự Festival nhưng một thanh niên Việt Nam ở Praha được mời tham dự và anh đã mang lá cờ đỏ sao vàng chạy quanh sân vận động trong tiếng hô vang “Việt Nam, Việt Nam”.

Thu - Đông năm 1947, được sự chỉ đạo của Trung ương, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam Nam Bộ đã cử một đoàn đại biểu thanh niên gồm các đồng chí Nguyễn Duy Cương, Huỳnh Kim Trương, Lê Tâm cùng Tổng lãnh sự Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại ấn Độ Nguyễn Đức Quỳ đi dự Hội nghị thanh niên và sinh viên châu á tổ chức tại Cancútta (ấn Độ), dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới. Tại Hội nghị này, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam vinh dự được giao châm lửa đốt hình nộm chủ nghĩa đế quốc.

Cũng vào thời gian này, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam Nam Bộ đã tiếp đoàn đại biểu Thanh niên Dân chủ Thượng Hải (Trung Quốc) sang Sài Gòn bằng đường công khai. Ta đã đưa bạn vào thăm chiến khu Đồng Tháp Mười và dự sinh hoạt câu lạc bộ thanh niên ở Đốc Bình Kiều.

Năm 1949, Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ hai được tổ chức tại Budapest (Hungary). Đại hội tiến hành từ ngày 14/7 đến 28/8/1949 với sự tham gia của 20.000 đại biểu của 82 nước, dưới khẩu hiệu hành động “Thanh niên thế giới đoàn kết lại vì một nền hoà bình bền vững, vì dân chủ, độc lập dân tộc và vì một tương lai tươi sáng”

Đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam tham gia Festival lần thứ hai có 15 người, do đồng chí Nguyễn Thương, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam dẫn đầu. Đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình hoạt động và đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt với các đoàn đại biểu thanh niên Pháp và một số nước khác. Bằng những câu chuyện sinh động trong cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, các đại biểu thanh niên Việt Nam đã trao đổi để các đại biểu thanh niên thế giới hiểu rõ về cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, nhất là làm cho các bạn thanh niên Pháp hiểu thanh niên và nhân dân Việt Nam, hiểu chính sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân biệt rõ giữa chủ nghĩa thực dân Pháp và nhân dân cũng như thanh niên Pháp, để từ đó càng đồng tình và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Tháng 8/1951, Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 3 được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 20/8 tại Berlin, Thủ đô nước Cộng hoà Dân chủ Đức (cũ). Có 26.000 đại biểu từ 104 nước ở khắp các châu lục đã tới tham dự.

Khẩu hiệu hành động của Festival lần thứ 3 là: “Thanh niên hãy đoàn kết chống hiểm hoạ một cuộc chiến tranh mới, vì một nền hoà bình trên thế giới”. Đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam tham dự Festival lần thứ 3 có 30 người, do anh Hoàng Tuấn trong Ban Lãnh đạo Liên đoàn Thanh niên Việt Nam dẫn đầu. Anh Cao Ngọc Thọ, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm Phó trưởng đoàn. Các thành viên trong đoàn là những thanh niên và sinh viên tiêu biểu như anh La Văn Cầu, chị Nguyễn Thị Chiên, anh Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước, Diệp Minh Châu…

Anh La Văn Cầu thay mặt cho đoàn Việt Nam tham gia Uỷ ban điều hành Đại hội. Trong các cuộc mít tinh, hội thảo, đoàn Việt Nam luôn được mời tham gia Chủ tịch đoàn.

Hoạ sĩ Diệp Minh Châu từ bưng biền Nam Bộ vượt qua chặng đường dài hơn 2000 km chủ yếu là đi bộ 6 tháng trời để đến Việt Bắc, tham gia đoàn đại biểu. Anh mang theo bức chân dung Bác Hồ kính yêu do anh vẽ bằng máu của mình. Bức chân dung đã được đưa đến Berlin, gây xúc động cho hàng nghìn đại biểu thanh niên quốc tế tham dự Festival.

Thanh niên các nước thuộc địa Pháp, như Angiêri, Marốc, Tuynidi, Mali, Sênêgan, Cônggô, Mađagasca... đặc biệt chú ý trao đổi kinh nghiệm chiến đấu với các đại biểu thanh niên Việt Nam.

Đoàn đã gặp gỡ, trao đổi, cám ơn các bạn bè đã chí tình ủng hộ cuộc chiến đấu của thanh niên và nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Đoàn đã gặp đoàn đại biểu thanh niên Pháp, cám ơn các chiến sĩ bảo vệ hoà bình Pháp đã đấu tranh phản đối Chính phủ phản động Pháp xâm lược Việt Nam như anh hùng Hăngri Máctanh, một thuỷ thủ vì phản chiến trong hải quân đã bị Toà án binh Pháp kết án tù. Đoàn đã gặp và cám ơn chị Raymông Đien, một chiến sĩ hoà bình xuất sắc đã anh dũng nằm ngang đường xe lửa để ngăn cản một chuyến xe chở vũ khí sang Việt Nam...

Những đóng góp thành công của Đoàn Đại biểu Thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Festival lần thứ 3 được Bác Hồ và Trung ương Đảng đánh giá cao. Bác Hồ đã dành thời gian tiếp khi đoàn về đến căn cứ kháng chiến và mời cơm thân mật một số đại biểu.

Khi nghe nhắc đến việc các đại biểu thanh niên Việt Nam đã được Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Đức Vinhem Pích tiếp và gửi lời thăm sức khoẻ của Người, Bác Hồ rất cảm động, Bác nói:

- Ngày xưa lúc còn thanh niên, Bác sang Nga, sang Đức hoạt động cùng bác Vinhem Pích trong phong trào Cộng sản Quốc tế. Các cháu gặp được bác Vinhem Pích là rất quý.

Tháng 8/1953, hơn 30.000 đại biểu từ 111 nước đã đến Bucarest (Rumani) tham dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 4, với khẩu hiệu hành động “Không, thế hệ chúng ta sẽ không phục vụ cho chết chóc và huỷ diệt”

Đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam dự Festival 4 có 40 người, do anh Vũ Quang, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn và Liên đoàn Thanh niên Việt Nam cùng anh Nguyễn Khánh, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên dẫn đầu. Đoàn gồm đại biểu tiêu biểu cho các lĩnh vực hoạt động của thanh niên, sinh viên Việt Nam.

Tại Festival lần này, Đoàn đại biểu Việt Nam vô cùng cảm động gặp lại chị Raymông Đien và nhất là được gặp mặt anh Hăngri Máctanh vừa được thả tự do đã kịp đến dự Đại hội. Cùng với 2 chiến sĩ bảo vệ hoà bình, đoàn đại biểu thanh niên Pháp đã nói lên quyết tâm của thanh niên và nhân dân Pháp luôn đứng bên cạnh cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân và thanh niên Việt Nam.

Cũng tại cuộc gặp mặt này, đoàn đại biểu thanh niên Pháp đã trao tặng cho đoàn Việt Nam một kỷ vật vô giá. Đó là bức ảnh Bác Hồ phát biểu tại Đại hội Tours năm 1920, khi những người cộng sản Pháp quyết định tách ra khỏi Đảng Xã hội, thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Các Đảng viên Cộng sản Pháp và các đại biểu thanh niên Pháp coi Hồ Chí Minh là một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp.

Về nước, khi trực tiếp báo cáo với Bác kết quả hoạt động của đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Festival 4, đồng chí Vũ Quang đã trân trọng kính chuyển bức ảnh lịch sử của đoàn đại biểu thanh niên Pháp tặng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam. Bác Hồ rất xúc động khi được thấy lại hình ảnh của mình tại Đại hội Tours hơn 30 năm về trước vẫn được các đồng chí Pháp giữ gìn trọn vẹn. Bác đã gửi một bức thư cho thanh niên Pháp. Bức thư có đoạn: “...Các cháu thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội Liên hoan Bucaret về kể lại cho chúng tôi nghe những cử chỉ thân ái thật là cảm động giữa các bạn thanh niên Pháp - Việt. Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng của các bà mẹ và các nữ thanh niên Pháp đã gửi cho các bà mẹ và nhi đồng Việt Nam những món quà xinh và những chiếc ảnh đẹp... Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là những kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh phi nghĩa này, nó đã gây nên biết bao điều khổ cực và tang tóc cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam. Cho nên các bạn và chúng tôi, chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta...Hoan nghênh các bạn thanh niên Pháp đang đấu tranh cho hoà bình và dân chủ..."

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam luôn gắn liền các hoạt động của mình với phong trào thanh niên và các tổ chức thanh niên, sinh viên tiến bộ trên thế giới.

Qua các hoạt động đối ngoại theo đường lối của Bác Hồ, của Đảng và của Nhà nước, tuổi trẻ Việt Nam đã góp phần làm cho tuổi trẻ trên thế giới hiểu rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa của thanh niên và nhân dân ta, từ đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè năm châu, từng bước cô lập kẻ thù, góp phần đắc lực vào thành công chung trong hoạt động đối ngoại rộng lớn của Đảng và Nhà nước ta.

*
*   *

Tháng 9/1953, giữa rừng đại ngàn Việt Bắc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Theo tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chủ tịch: “Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh”. Bộ Chính trị chủ trương đưa bộ đội lên Tây Bắc để buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo ra thời cơ để ta tiêu diệt sinh lực chúng, mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh hoạt động ở chiến trường sau lưng địch, phối hợp các chiến trường Đông Dương, chuẩn bị điều kiện tiến tới giải phóng đồng bằng Bắc Bộ.

Thời gian này quân chủ lực cơ động của địch đã lên đến 100 tiểu đoàn bộ binh. Chúng tập trung gần 50% lực lượng và hơn 90% lực lượng cơ động trên toàn chiến trường Đông Dương ở Bắc Bộ. Với kế hoạch Nava nhằm tiêu diệt phần lớn chủ lực của quân đội ta trong vòng 18 tháng, giành một thắng lợi chiến lược quyết định, buộc chính phủ ta phải đàm phán theo những điều kiện do Pháp đề ra, nhằm kết thúc chiến tranh mà vẫn duy trì được quyền lợi của Pháp.

Để đối phó với lực lượng ta ở Tây Bắc, ngày 20/11/1953, quân đội Pháp vội vã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Đến đầu tháng 3/1954 địch tăng quân ở Điện Biên Phủ lên 17 tiểu đoàn, 10 đại đội, ngoài ra còn 3 tiểu đoàn Pháp, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị vận tải 200 xe, 1 phi đội không quân thường trực 12 máy bay.

Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chủ trương xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, một “pháo đài bất khả xâm phạm”, sẵn sàng nghiền nát chủ lực đối phương.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân uỷ và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mọi công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được khẩn trương tiến hành từ đầu tháng 12/1953. Ngày 10/12/1953, quân ta tấn công địch ở Lai Châu, mở đầu cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 – 1954.

Hạ tuần tháng 12/1953, Bộ Chính trị chỉ định Đảng uỷ mặt trận và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Trước khi lên đường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Hồ Chủ tịch, Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định"…và Bác không quên dặn kỹ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Sở Chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tư lệnh lên đường ra mặt trận.

Toàn quân và nhân dân ta quyết tâm thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư gửi đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch, Người viết: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”

Ngày 22/12/1953, Bác Hồ trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội, động viên các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, nhân dân và thanh niên ở vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích đồng bằng Bắc Bộ, dồn sức người, sức của cho chiến dịch.

Cuộc chiến đấu để mở đường tiếp tế, vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt diễn ra khẩn trương, quyết liệt ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho đến khi kết thúc chiến dịch.

Hàng chục vạn chiến sĩ dân công mà đại bộ phận là thanh niên vượt qua bom đạn địch, chuyển lương thực và đạn dược cho bộ đội đánh giặc, 261.461 dân công với trên 18.301.570 ngày công đã tham gia phục vụ chiến dịch. Hơn 27.400 tấn gạo đã được chuyển lên mặt trận Điện Biên Phủ.

Theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương hợp nhất với Đội Thanh niên xung phong và đến tháng 1/1954, Đội chính thức mang tên Đoàn thanh niên xung phong Trung ương do đồng chí Vũ Kỳ làm đoàn trưởng. Đoàn thanh niên xung phong tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với các đơn vị công binh, thanh niên xung phong anh dũng mở đường và phá bom nổ chậm của địch, bảo đảm mạch máu giao thông đưa hàng lên mặt trận. Hàng nghìn kilômét đường được thanh niên xung phong xây dựng và sửa chữa để phục vụ chiến dịch.

Tiêu biểu cho tinh thần lao động quên mình, hy sinh anh dũng để phá bom nổ chậm, cứu xe, bảo vệ hàng, bảo vệ những con đường xung yếu nhất lên Điện Biên là các chiến sĩ thanh niên xung phong Trịnh Văn Huyền, Nguyễn Tiến Thụ. Trịnh Văn Huyền không quản nguy hiểm xông vào lửa đạn cứu xe, cứu đạn; Nguyễn Tiến Thụ bị bom vùi 4 lần, ngất đi nhưng khi tỉnh lại vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Sau hoà bình, Trịnh Văn Huyền được cử tham gia đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 5 họp tại Vácsava (Ba Lan).

Do đạt được nhiều thành tích trong phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn Thanh niên xung phong đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và 60 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong chiến dịch.

Trong cao trào phục vụ chiến dịch, thanh niên cùng toàn dân ta lập nên thành tích kỳ lạ về vận tải mà kẻ thù không sao tưởng tượng nổi. Hầu như tất cả các phương tiện vận chuyển đều được huy động, vừa tận dụng phương tiện thô sơ, vừa tranh thủ phương tiện cơ giới để bảo đảm cung cấp vũ khí, lương thực cho chiến dịch. Hầu hết ô tô vận tải được đưa ra phục vụ chiến dịch với 628 xe lăn bánh liên tục suốt ngày đêm. Bộ đội vận tải nêu cao tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn, xe chạy không bật đèn trong đêm, vượt qua bom nổ chậm…bảo đảm một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược cho chiến dịch. Các đoàn xe đạp thồ dài hàng cây số, các đoàn thuyền và các đoàn dân công hàng chục nghìn người hướng về Điện Biên.

Kéo pháo vào trận địa là một kỳ công của thế hệ “anh bộ đội Cụ Hồ” thời chống Pháp. Những cỗ pháo nặng hàng chục tấn được các chiến sĩ kéo qua đèo cao, dốc thẳm vào trận địa an toàn. Chiến sĩ Nguyễn Văn Chức đã lấy thân mình chèn pháo để cứu pháo khỏi lao xuống vực. Anh đã hy sinh anh dũng ở tuổi 20…

5 tuyến đường mới được bí mật mở để đưa hàng trăm tấn pháo và đạn dược vào vị trí. Hình ảnh lấy thân chèn pháo của chiến sĩ Tô Vĩnh Diện đã khích lệ tinh thần chiến đấu của đồng đội. Anh được Chính phủ tặng Huân chương quân công hạng Hai và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 31/1/1954, tại đồi 75 điểm cao 536 phía Bắc Điện Biên Phủ, một trung đội thuộc tiểu đoàn 542 đã đánh bật 7 đợt xung phong của 2 tiểu đoàn địch có xe tăng phối hợp. Chiến sĩ trẻ Hoàng Văn Nô, dùng lưỡi lê đâm chết 5 tên địch, được truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ đâm lê”.

Sáng ngày 26/1/1954, tại Sở Chỉ huy Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập Đảng uỷ Mặt trận họp bàn vấn đề thay đổi phương châm, cách đánh để bảo đảm thắng lợi tuyệt đối của chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc thảo luận trong Đảng uỷ diễn ra gay go, sôi nổi và cuối cùng Đảng uỷ đều nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà chưa có biện pháp khắc phục, cần chuyển phương châm chiến dịch từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn mặt trận lui về vị trí tập kết và kéo pháo ra. Trận quyết chiến Điện Biên Phủ được chuẩn bị lại theo phương châm "Đánh chắc, thắng chắc”. Đây chính là một nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của trận Điện Biên Phủ.

Từ khi bước vào chiến cuộc Đông - Xuân, trên các chiến trường phối hợp ở Trung Lào, Hạ Lào và Bắc Tây Nguyên, ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, buộc địch phải tiếp tục phân tán lực lượng. ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Cực Nam Trung Bộ và ở Nam Bộ, chiến tranh du kích phát triển mạnh chưa từng thấy, tiêu hao tiêu diệt và kiềm chế lực lượng địch, làm rối loạn hậu phương của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lực ta vây hãm và tiến công địch ở Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 2 năm 1954, quân dân Liên khu V đã giải phóng Kon Tum và đặc biệt đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Atlăng của địch từ tháng 4/1954, làm cho Nava càng thêm lúng túng.

Đêm ngày 7/3/1954, ta tập kích thắng lợi vào sân bay Cát Bi (Hải Phòng) phá huỷ 59 máy bay địch cùng nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Đây là chiến thắng lớn nhất của ta với lực lượng không quân Pháp. Ta đã tiêu diệt, phá huỷ nhiều máy bay của địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Khi nhận được báo cáo, Hồ Chủ tịch đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân bay Cát Bi danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi”. Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho đơn vị, 32 dũng sĩ đánh sân bay Cát Bi đều được tặng thưởng Huân chương.

Đầu tháng 3/1954, việc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn thành.
Ngày 11/3/1954, Hồ Chủ tịch gửi thư động viên các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch.
Người viết:

“Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to
Bác hôn các chú"

Ngày 13/3/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu. Đợt tấn công thứ nhất ta tiêu diệt nhanh gọn 2 cứ điểm Him Lam và Độc Lập, uy hiếp và gọi hàng cứ điểm Bản Kéo. Sau 5 ngày chiến đấu quyết liệt, đợt tiến công thứ nhất kết thúc thắng lợi, cánh cửa phía Bắc tập đoàn cứ điểm được mở toang. Lần đầu tiên xuất hiện, lựu pháo 105 của ta đã bắn rất chính xác, phối hợp chặt chẽ với bộ binh tiêu diệt địch. Đại đoàn 312 có vinh dự lớn lập công đầu.

Trong đợt tấn công này, tấm gương hy sinh anh dũng của chiến sĩ trẻ Phan Đình Giót, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt địch đã cổ vũ tinh thần chiến sĩ của các chiến sĩ trên toàn mặt trận. Đại đoàn pháo binh 351, một binh chủng mới ra đời đã vinh dự nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ.

Để chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đảng uỷ Mặt trận đề ra 3 nhiệm vụ cho các đơn vị:

- Nhanh chóng tiếp cận, bao vây địch bằng một hệ thống trận địa tiến công và bao vây vững chắc, trong tầm bắn, có hiệu quả của tất cả các loại pháo, súng lớn nhỏ của ta; chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu Trung tâm của địch.

- Theo nguyên tắc bảo đảm chắc thắng, tiếp tục diệt thêm một số cứ điểm ở ngoại vi tập đoàn cứ điểm.

- Khống chế có hiệu quả hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm; chuẩn bị đánh địch phản kích; tăng cường các hoạt động tiêu hao, quấy rối.

Trong 3 nhiệm vụ trên, xây dựng trận địa tiến công và bao vây là quan trọng nhất. Hai loại đường hào đã được xây dựng: Một là đường hào trục dùng cho việc cơ động bộ đội, cơ động pháo, vận chuyển thương binh, hình thành một đường vòng rộng bao quanh trận địa ở phân khu Trung tâm. Hai là đường hào tiếp cận của bộ binh, xuất phát từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng rồi đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta định tiến công tiêu diệt… các loại hào phải có độ sâu 1m7, đáy hào trục rộng 1m2… Bộ đội ta phải đào hơn 200 km đường hào, các chiến sĩ phải lao động cật lực từ 14 tiếng đến 18 tiếng mỗi ngày. Việc xây dựng trận địa phải tiến hành chủ yếu vào ban đêm, đào đến đâu nguỵ trang đến đấy và phải triển khai cùng một lúc trên toàn mặt trận để phân tán sự chống phá của địch. Nhưng khi các đường hào đã vươn dài hàng chục km trên cánh đồng thì không còn cách nào che mắt được kẻ thù. Chúng đã dùng pháo binh và không quân bắn phá ngày đêm, đưa quân ra những trận địa ở gần để san lấp và gài mìn, ngăn quân ta đào tiếp. Từ đây, mỗi mét đường hào không phải chỉ đổ bằng mồ hôi mà cả bằng xương máu của các chiến sĩ.

18 giờ ngày 30/3/1954, quân ta bắt đầu mở đợt tấn công thứ hai. Nhiệm vụ của đợt tấn công này là nhằm chia cắt địch, thắt chặt vòng vây, khống chế đi đến triệt hẳn đường tiếp viện của địch, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đây là đợt đánh dài ngày và ác liệt nhất của chiến dịch. Quá trình bao vây chia cắt là quá trình vừa chiến đấu anh dũng vừa lao động không biết mệt mỏi của chiến sĩ ta ở ngay trên trận địa. Đó là những tấm gương của chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi, 23 tuổi, cùng đồng đội bị lọt vào vòng vây địch trong trận chiến đấu tại đồi A1, nhịn đói 3 ngày, anh vẫn cùng các đồng chí trong tổ vừa chiến đấu vừa gọi pháo bắn chặn đánh bật nhiều đợt xung phong của bộ binh và xe tăng địch, bảo vệ được trận địa. Chiến sĩ Phạm Việt Nghi, 18 đêm liền, một mình đào được 18 cái hầm và 11 mét hào dưới bom đạn địch.

Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị họp nhận định hai đợt tiến công của quân ta ở Mặt trận Điện Biên Phủ đã tạo những điều kiện căn bản để tiến tới tiêu diệt hoàn toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị còn chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Trên toàn mặt trận, một đợt sinh hoạt chính trị được tiến hành nhằm chống tư tưởng hữu huynh, tiêu cực. Những tấm gương hy sinh chiến đấu dũng cảm trong chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954 tiêu biểu cho truyền thống quyết chiến quyết thắng của quân đội và truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam được biểu dương và học tập.

Ngày 1/5/1954, quân ta mở đợt tiến công thứ 3 tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Đồi A1 ta định đánh vào đêm đầu nhưng do phải chờ công binh đào xong con đường hầm dài hơn 40 mét từ chân đồi phía Đông vào dưới hầm ngầm của địch để đặt gần 1.000 cân thuốc nổ, nên đến đêm ngày 6/5 mới đánh. Theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đúng 20 giờ 30’ đêm ngày 6/5/1954, bộc phá ta đặt ở đồi A1 nổ, quân địch đang bàng hoàng vì sức chấn động của ngót 1.000 cân thuốc nổ, bộ binh ta từ nhiều hướng đánh lên đồi A1, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn Lê Dương, bắt sống chỉ huy và 200 binh lính…

Sau 3 ngày đêm chiến đấu chiếm lĩnh các điểm cao còn lại ở phía Đông và thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía Tây, bộ đội ta đã thắt chặt vòng vây, chỉ còn cách sở chỉ huy địch 300 mét.

Giờ chết của quân địch ở Điện Biên Phủ đã điểm.

14 giờ 30’ ngày 7/5/1954, các cánh quân của ta tiến vào khu trung tâm dưới sự yểm trợ của pháo binh và tên lửa 6 nòng do Liên Xô viện trợ lần đầu tiên xuất hiện. Đến 17 giờ 30’ cùng ngày, tướng Đờcáttơri và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Một vạn quân địch ở phân khu trung tâm chui ra khỏi hầm hào xin hàng, 2000 tên địch ở phân khu Nam bị bắt sống.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, dũng cảm, kiên cường và mưu lược, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Hồ Chủ tịch tung bay trên Điện Biên Phủ.

Năm đại đoàn chủ lực tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vừa lập công lớn được vinh dự cử 6 chiến sĩ tiêu biểu cho các binh chủng về báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng nhân dịp mừng thọ Bác 64 tuổi (19/5/1954). Các chiến sĩ trẻ (người trẻ nhất 18 tuổi và người nhiều tuổi nhất mới 26 tuổi) vô cùng xúc động được gặp Hồ Chủ tịch và chăm chú ghi nhớ lời dạy của Người: “…Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng đó là nhờ sự cố gắng chung của đồng bào cả nước, nhưng trước hết là nhờ ở công lao và sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ ngoài mặt trận. Bộ đội ta ở Điện Biên Phủ rất dũng cảm. Các cháu là những chiến sĩ tiêu biểu của một nhân dân anh hùng, của một quân đội anh hùng, Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ rất vui lòng khen ngợi các cháu. Chính phủ đã quyết định thưởng cho các cháu Huân chương Chiến công hạng Nhất… riêng Bác tặng thêm mỗi cháu một Ngôi sao đỏ và một Huy hiệu”

Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953 -1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của cả dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam anh hùng. Điện Biên Phủ là cái “cột mốc bằng vàng”. Chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ đã tạo khả năng giải phóng đất nước và tạo thế mạnh cho cuộc đàm phán của nhân dân Việt Nam ở Hội nghị Giơnevơ.

Trước khi Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Ban Chấp hành Trung Đảng đã họp hội nghị mở rộng từ ngày 15 đến 18 tháng 7 năm 1954. Hội nghị nhận định, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương.

Hội nghị vạch ra nhiệm vụ của nhân dân ta trong giai đoạn mới là chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và bọn hiếu chiến Pháp, củng cố hoà bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân tộc trong cả nước.

Ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc. Hội nghị thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kéo dài gần 9 năm đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

"Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”

Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ đấu tranh mới. Tuổi trẻ Việt Nam lại được lịch sử giao phó cùng toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

*
*   *

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên, thanh niên, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất, góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với những phong trào tòng quân, giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đi dân công phục vụ tiền tuyến;phong trào đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm, phong trào tham gia dân quân và đánh du kích… Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã đưa hàng triệu đoàn viên, hội viên, thanh niên, tham gia xây dựng lực lượng vũ trang đánh giặc cứu nước, mở rộng vùng giải phóng và từng bước xây dựng chế độ mới, tạo sức mạnh để chiến thắng hoàn toàn bọn đế quốc xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, tuổi trẻ Việt Nam đã cống hiến biết bao thanh niên ưu tú, chiến đấu ngoan cường, hy sinh oanh liệt, “Sống anh dũng, chết vẻ vang” cho đất nước. Tấm gương ngời sáng tinh thần yêu nước của các anh hùng, liệt sĩ sống mãi với non sông đất nước và thúc giục tuổi trẻ tiếp tục bảo vệ thành quả cách mạng. Cuộc chiến tranh giữ nước ấy đã tôi luyện và thử thách tổ chức Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và phong trào thanh niên Việt Nam ngày một phát triển.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
   
 
 
 
 
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 16.074.473
Truy cập hiện tại 270